Đúng thuốc, đúng liều

18/05/2012 03:29 GMT+7

Trị bệnh, cần nhất là "bốc" đúng thuốc, đúng liều và đặc biệt là kịp thời. Chúng ta đã "chẩn" đúng căn bệnh của nền kinh tế hiện nay là giảm phát. Nhưng để trị căn bệnh này, cần phải thực hiện nhanh các chủ trương, giải pháp để tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

Trị bệnh, cần nhất là "bốc" đúng thuốc, đúng liều và đặc biệt là kịp thời. Chúng ta đã "chẩn" đúng căn bệnh của nền kinh tế hiện nay là giảm phát. Nhưng để trị căn bệnh này, cần phải thực hiện nhanh các chủ trương, giải pháp để tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

Có một thực tế là đến tận thời điểm này, khi doanh nghiệp (DN) chết hàng loạt, sản xuất đình đốn khắp nơi, hàng tồn kho tăng mạnh, sức mua sụt giảm... thì rất nhiều ý kiến vẫn chưa muốn thừa nhận kinh tế đang rơi vào giảm phát. Cũng dễ hiểu, đang chữa lạm phát, chuyển sang giảm phát, tất nhiên phải có "lỗi" của chính sách tiền tệ, tài khóa. Nhưng nếu không thừa nhận "bệnh", không thể nói đến chuyện chữa bệnh. Nhất là bệnh giảm phát, căn bệnh mà theo tất cả các nhà kinh tế, còn khó chữa hơn cả lạm phát. Vì vậy, nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp  vực dậy nền kinh tế là điều cần phải làm hiện nay.

Chữa giảm phát, phải tăng tổng cầu trong nền kinh tế. Cụ thể là tăng chi tiêu của Nhà nước và người dân. Giải pháp đã được đưa ra. Có gói hỗ trợ thuế 29.000 tỉ đồng, có chủ trương đẩy nhanh việc phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản, tăng tốc giải ngân để tiêu thụ các mặt hàng xi măng, sắt thép... Chính phủ cũng bổ sung 1.000 tỉ đồng để kiên cố hóa kênh mương đồng thời cho phép sử dụng kinh phí tạm dừng theo Nghị quyết 11 của năm 2011 được chuyển cho năm 2012... Những giải pháp này nhằm tháo hàng tồn kho để DN có thể lưu thông sản xuất và mở rộng thị trường. Để kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua trong dân cư, nhiều đề xuất tăng thu nhập cho người dân như miễn thuế thu nhập cá nhân, dừng việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, nước... miễn thuế cho DN để giảm giá thành sản phẩm, khuyến khích cho vay....

Chủ trương đã có, giải pháp cũng không thiếu. Cái thiếu hiện nay chính là sự quyết liệt trong việc triển khai nhanh, ngay các giải pháp này. Chúng ta đều biết, để lãi suất có thể hạ như mong muốn, cần phải 3- 6 tháng nữa. Nên các giải pháp kích cầu, được coi là bước đệm "tiếp sức" cho DN đến khi có thể tiếp cận vốn rẻ hơn. Nhưng thay vì xuất tiền mua ngay xi măng, sắt thép, nguyên vật liệu "tập kết" để đó dùng cho xây dựng cơ bản; đưa vào sử dụng ngay kinh phí tạm dừng của năm 2011 như nói trên, giải ngân gói 1.000 tỉ... chúng ta vẫn bàn rồi chờ hướng dẫn. Chưa có một động thái cụ thể nào cho thấy chủ trương này đã được thực hiện, cũng không có mốc thời gian nào cho biết tiền sẽ được giải ngân. Thuế vẫn giảm, giãn thay vì miễn; đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân không được đưa ra; giá điện, giá xăng, giá nước, giá dịch vụ vận chuyển vẫn rình rập tăng... làm sao nói đến chuyện chặn đà giảm phát?

Những khu công nghiệp vắng vẻ; những cánh cửa DN khép lại; câu chuyện "giám đốc chuyển nghề xe ôm" đang lan truyền khắp nơi; tình trạng thất nghiệp gia tăng; các công ty chết tức tưởi trên đống tài sản khổng lồ... Vấn đề "chữa" giảm phát hiện nay là "hành động", là "làm" chứ không còn thời gian để "nói". Quan trọng hơn, giảm phát càng để lâu, càng khó trị, không biết các nhà quản lý còn định "bàn", còn "hướng dẫn" đến bao giờ?

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.