Dùng “tiền âm phủ” mua điện thoại, tòa xử tội cướp, Viện KSND nói tội lừa đảo

18/12/2020 15:30 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Thành Quốc Bảo dùng "tiền âm phủ" để trả cho người giao hàng khi đặt mua điện thoại, Tòa tuyên tội cướp giật tài sản, Viện KSND kháng nghị, đề nghị tuyên tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 18.12, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thành Quốc Bảo (22 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) về tội “cướp giật tài sản”. HĐXX giữ nguyên mức án sơ thẩm 6 năm tù đối với bị cáo về tội danh trên.
Phiên xét xử phúc thẩm do có kháng nghị của Viện KSND TP.HCM theo hướng xét xử bị cáo phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, do không có tiền tiêu xài, Bảo mua sim điện thoại khuyến mãi để đặt mua điện thoại trên các ứng dụng bán hàng. Bảo chuẩn bị sẵn một số xấp "tiền âm phủ" (hàng mã - PV) rồi để tờ tiền thật lên phía trên và phía dưới. Khi nhận hàng, Bảo sẽ đưa xấp tiền này cho người giao hàng. Lợi dụng sơ hở khi người giao hàng kiểm tiền, Bảo điều khiển xe tẩu thoát, lấy điện thoại.
Cụ thể, tháng 1.2020, Bảo đặt mua một điện thoại giá 22 triệu đồng, giao tại Q.Tân Phú (TP.HCM). Ngày 11.1, khi nhận điện thoại, Bảo đưa cho nhân viên giao hàng xấp tiền như nói trên đã chuẩn bị trước rồi lấy hàng (điện thoại) để trên xe người giao hàng. Trong lúc người này kiểm tiền, Bảo phóng xe tẩu thoát. Với thủ đoạn tương tự, Bảo đã thực hiện 4 vụ khác, tổng tài sản Bảo chiếm đoạt là 175 triệu đồng.
Xét xử sơ thẩm (8.2020), TAND Q.Tân Phú tuyên phạt bị cáo Bảo 6 năm tù về tội “cướp giật tài sản”. 

Viện KSND kháng nghị xử tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Sau phiên sơ thẩm, không đồng ý với Tòa về tội danh, Viện KSND TP.HCM kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xét xử bị cáo Bảo tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) cho rằng bị cáo chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua việc dùng sim khuyến mãi để mua hàng qua mạng, chuẩn bị "tiền âm phủ" để thanh toán cho bị hại. Giữa bị cáo và bị hại đã tiến hành giao dịch, thanh toán và nhận tài sản, bị cáo gian dối, đánh lạc hướng bị hại để tẩu thoát. Hành vi của bị cáo cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Viện KSND TP.HCM, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 6 năm tù là thỏa đáng, VKS không đề nghị HĐXX cân nhắc mức hình phạt. Tuy nhiên, về tội danh, VKS đề nghị HĐXX xét xử, phạt bị cáo về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
HĐXX nhận định bị cáo dùng thủ đoạn gian dối với bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các bên đang thực hiện hành vi giao và nhận hàng, việc chuyển giao tài sản này chưa hoàn thành, tài sản vẫn đang trong tầm quản lý của bị hại thì bị cáo đã lái xe tẩu thoát cùng tài sản. Vì vậy, hành vi của bị cáo là cướp giật tài sản.
Do đó, HĐXX xét thấy bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Quốc 6 năm tù về tội “cướp giật tài sản” là có căn cứ, không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TP.HCM về việc xét xử, phạt bị cáo tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm nhận định, bị cáo là người không nghề nghiệp, 5 lần cướp giật tài sản mang tính chất chuyên nghiệp, cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết này khi quyết định hình phạt đối với bị cáo là thiếu sót. Do đó, HĐXX chấp nhận một phần kháng nghị về việc áp dụng thêm tình tiết phạm tội mang tính chất chuyên nghiệp đối với bị cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.