Không bức xúc sao được khi những thứ nông sản Trung Quốc thông qua các chiêu trò “bùa phép” thành nông sản Đà Lạt có giá trị cao hơn. Đó không chỉ là hành vi gian dối móc túi người tiêu dùng, mà còn có thể gây ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu nông sản Việt, cụ thể là rau củ quả Đà Lạt.
[VIDEO] Cận cảnh đổi “quốc tịch” cho khoai tây Trung Quốc bằng đất Đà Lạt
|
Đáng buồn hơn, những loại nông sản Trung Quốc bị đánh giá thấp hơn sẽ khó có cơ hội giả danh, hoành hành như thế nếu không có sự tiếp tay của các thương lái người Việt. Nói một cách đau lòng là chính người Việt tự hại dân mình. Thực tế này không chỉ diễn ra với nông sản Trung Quốc “đội lốt” Đà Lạt, mà lâu nay vẫn diễn ra ở nhiều hình thức.
Đó là những trung gian giúp các lái buôn Trung Quốc “đánh hàng” nông sản Việt như thanh long, chuối, dưa hấu... với giá cao để người nông dân “sập bẫy” lệ thuộc vào nguồn tiêu thụ, rồi các thương lái Trung Quốc sau đó hạ giá kiếm lời. Đó là những trung gian đại diện thu mua rễ, thân cây hồ tiêu khiến người nông dân một số tỉnh vội vã chặt cây bán kiếm lời, ẩn chứa nguy cơ phá hoại ngành trồng trọt.
Đó là những người Việt thay người Trung Quốc đi mua đỉa, ốc bươu vàng... khiến người nông dân không chỉ đi bắt đỉa, bắt ốc bươu vàng... mà còn tổ chức nuôi để rồi ảnh hưởng xấu đến chính các loại cây trồng khác. Đó là những đường dây nhập lậu hóa chất độc hại, nội tạng gia súc gia cầm hư thối vào VN.
[VIDEO] Cách phân biệt nông sản Trung Quốc và Đà Lạt bằng mắt thường
|
Không chỉ trong nông nghiệp hay thực phẩm, những món hàng giả hàng nhái kém chất lượng, mà cả những vật phẩm như sách, bản đồ có chứa nội dung “đường lưỡi bò” cũng thâm nhập vào VN thông qua các trung gian người Việt.
Lâu nay, chúng ta thường phải cảnh báo nhau về những âm mưu phá hoại kinh tế, trục lợi bất chính đến từ nước ngoài, ẩn chứa cả dấu hiệu mang tính “chiến dịch”. Nhưng rõ ràng, như chỉ ra ở trên, những “chiến dịch” ấy sẽ chẳng thể gây hậu quả đáng kể, khiến người nông dân cũng như nền nông nghiệp thiệt hại nặng nếu không có sự “tiếp tay” của chính những người VN, đồng thời do sự quản lý thiếu hiệu quả, thậm chí buông lỏng, của một số cấp chính quyền. Nếu không thì “người lạ” dẫu có mưu mô thâm sâu đến đâu cũng khó tự thân “dở trò” phá hoại khi vào VN.
Chính vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền để mọi người dân đều phải nhớ “người trong một nước phải thương nhau cùng”, cơ quan chức năng cũng cần những biện pháp cứng rắn hơn nhằm xử lý triệt để những hành vi tiếp tay nêu trên.
Bình luận (0)