'Đừng trở nên xấu xa', lời cảnh báo không cũ về 'thế giới' Big Tech

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
12/03/2023 11:25 GMT+7

Đừng trở nên xấu xa là cuốn sách được viết bởi nhà báo Rana Foroohar - Phó tổng biên tập tờ Financial Times. Với kiến thức lĩnh vực chuyên sâu, dày dạn kinh nghiệm, tác giả đã khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những thông tin ngồn ngộn về "thế giới" Big Tech.

Đừng trở nên xấu xa (Don't be evil) là câu mở đầu nổi tiếng trong Qui tắc ứng xử nguyên bản của Google, một trong năm "gã khổng lồ" lĩnh vực công nghệ đang nắm giữ số tài sản cực kỳ lớn, được gọi là FAANG (gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google). Đó cũng là triết lý những ngày đầu thành lập công ty. Nó thể hiện tinh thần lạc quan và chất lý tưởng đáng nể phục vì một tương lai phát triển thế giới bằng ứng dụng công nghệ mới.

'Đừng trở nên xấu xa', lời cảnh báo không cũ về 'thế giới' Big Tech  - Ảnh 1.

Đừng trở nên xấu xa là cuốn sách được viết bởi nhà báo Rana Foroohar - Phó tổng biên tập tờ Financial Times

NXB

Tác phẩm Đừng trở nên xấu xa do First News và NXB Dân Trí vừa ấn hành khiến người đọc bất ngờ với những thông tin ngồn ngộn về "thế giới" Big Tech - những đóng góp cùng những "mặt tối" của nó trong việc thao túng xã hội.

Nhưng rồi, các Big Tech (những tập đoàn công nghệ lớn) ngày càng xa rời mục tiêu, lý tưởng của mình. Sự "ngây thơ" dấn thân cho lý tưởng ban đầu đã không còn nữa. Các nền tảng của nhiều công ty công nghệ đã trở thành những công cụ để thao túng chính trị, xoay chuyển vận mệnh các quốc gia, làm giàu cho các giám đốc điều hành, các cổ đông của công ty.

"Làm thế nào một ngành công nghiệp từng rất nhiệt huyết, cách tân và lạc quan lại trở nên tham lam, phiến diện và cao ngạo chỉ sau vài thập niên? Làm thế nào một thế giới của "thông tin phải được miễn phí" lại trở thành nơi mà mọi dữ liệu đều được quy ra tiền? Làm thế nào mà một phong trào ra đời vì mục đích "dân chủ hóa" thông tin lại phá hủy cấu trúc nền dân chủ của chúng ta?".

'Đừng trở nên xấu xa', lời cảnh báo không cũ về 'thế giới' Big Tech  - Ảnh 2.

Tác giả Rana Foroohar cố gắng trả lời những câu hỏi đó một cách đầy đủ nhất có thể trong 'Đừng trở nên xấu xa'

T.L

Tác giả Rana Foroohar đã cố gắng trả lời những câu hỏi đó một cách đầy đủ nhất có thể trong Đừng trở nên xấu xa. Và câu trả lời dễ nhận ra nhất về nguyên nhân, được gọi một cách nôm na, là "tiền", khi tác giả dẫn lời cảnh báo của nhà kinh tế học Mancur Olson "nền văn minh sẽ dần suy tàn khi hệ thống chính trị bị chi phối bởi lợi ích tài chính".

Rana Foroohar viết: "Đã một thời, những người theo "giáo phái kỹ thuật số" từng rao giảng tầm nhìn về một tương lai mà công nghệ nắm giữ sức mạnh biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn cho mọi người. Tầm nhìn này luôn tuân thủ một nguyên tắc nghiêm ngặt: thông tin phải được miễn phí và Internet sẽ là một "lực lượng dân chủ " tạo sân chơi "công bằng" cho tất cả chúng ta".

Theo tác giả Đừng trở nên xấu xa, Big Tech không chỉ muốn trở thành người dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, mà còn muốn trở thành nền tảng cho mọi thứ và trở thành "hệ điều hành" cho cuộc sống của chúng ta. Các công ty Big Tech không cần phải tăng giá. Họ có một mô hình kinh doanh không được trả bằng tiền.

'Đừng trở nên xấu xa', lời cảnh báo không cũ về 'thế giới' Big Tech  - Ảnh 3.

Tác phẩm mới 'Đừng trở nên xấu xa' do First News và NXB Dân Trí ấn hành

NXB

Cuốn sách Đừng trở nên xấu xa là lời cảnh báo không bao giờ muộn với mọi người. Điều đáng ghi nhận là không chỉ đề cập đến thực trạng, Rana Foroohar đã cố gắng đề xuất nhiều giải pháp để Big Tech "không trở thành kẻ xấu". Tác phẩm là một nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan đến Big Tech khiến chúng ta lo lắng nhưng cũng giúp nhận diện ra vấn đề để giải quyết nó một cách sòng phẳng, minh bạch.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.