Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỉ đồng như liều thuốc đặc trị cho nền kinh tế kiệt sức bởi đại dịch. Song, cũng như người bệnh, nếu không cho uống kịp thời, đủ liều thì cơ thể rất khó phục hồi, cường tráng trở lại; thậm chí bệnh tình còn trở nặng hơn.
Gần 3 tuần sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết để chuẩn bị triển khai các giải pháp cụ thể.
Đối với người dân, doanh nghiệp, sau 4 đợt dịch Covid-19 họ đã sức tàn, lực kiệt và mong chờ từng ngày. Họ cần dòng tiền, thị trường, cơ chế thông thoáng, thủ tục nhanh gọn… để phục hồi, để vực dậy sản xuất, kinh doanh.
Gói 350.000 tỉ đồng có quy mô lớn nhất trong lịch sử, đối tượng rộng không dễ triển khai. Muốn hiệu quả lại phải nhanh, đúng và trúng lại càng khó. Thách thức đối với các bộ, ngành và địa phương rất lớn, đòi hỏi sự tập trung cao độ, quyết tâm đi cùng với năng lực, trách nhiệm và sự phối hợp nhịp nhàng.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta đã có những bài học xương máu từ gói kích cầu hơn 1 tỉ USD năm 2009. Nền kinh tế sau đó đã tăng trưởng trở lại, doanh nghiệp phục hồi nhưng hệ lụy rất nặng nề. Lãi suất, nợ xấu, lạm phát tăng vọt; thị trường vàng, USD, chứng khoán, bất động sản liên tục sốt nóng. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất cho gói hỗ trợ lần này là hướng dòng tiền vào đúng khu vực sản xuất, kinh doanh; đúng đối tượng cần hỗ trợ và có khả năng phục hồi. Những thủ tục rườm rà cần phải cắt bỏ, quá trình giải ngân nhanh chóng, thông thoáng.
Bên cạnh đó, với nhiều cơ chế đặc thù, quá trình triển khai cũng phải đi kèm với kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng trục lợi chính sách. Đặc biệt, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp khó khăn thì càng phải đảm bảo minh bạch; trách nhiệm giải trình của từng cán bộ, công chức.
Các nước đã tung ra gói kích cầu hàng nghìn tỉ USD, nền kinh tế phục hồi rất mạnh trong năm 2021. Chúng ta đã đi sau một bước, từ top ngôi sao năm 2020, rơi xuống top cuối về tăng trưởng GDP trong năm 2021. Mới đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu tuyên bố cứng rắn hơn về việc tăng lãi suất. Trên thế giới, giá dầu và hàng hóa đang leo thang từng ngày. Nếu chúng ta chậm trễ triển khai gói hỗ trợ sẽ dẫn tới hiệu ứng ngược. Số tiền lớn tung ra, GDP chưa tăng, lạm phát đã tăng trước, kéo theo nợ xấu, bong bóng bất động sản, chứng khoán. Khi đó, hậu quả rất nặng nề, rất khó khắc phục.
Bình luận (0)