Có lẽ không cần phải nói thêm về sự phát triển bùng nổ của AI, nên việc xây dựng những chiến lược phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng xu thế, đón đầu tương lai là cần thiết. Tuy nhiên chiến lược như thế nào để phù hợp lại là một vấn đề!
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ khoảng cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, cả một thế hệ học sinh phải "dùi mài" môn học lập trình Pascal. Đây là một phần trong chiến lược đào tạo nhân sự đón đầu tương lai khi kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ của giai đoạn ấy.
Và rồi, kết quả thế nào thì ai cũng thấy. Pascal lụi tàn và việc biết lập trình Pascal đối với số đông (trừ những người liên quan chuyên môn) thực sự không cần thiết. Ngược lại, không ít những học sinh của giai đoạn ấy đến giờ không những không còn "sót chút Pascal nào trong đầu" mà còn rất "lơ mơ" về cả tin học văn phòng cơ bản - vốn lại rất cần thiết cho công việc hiện nay.
Cũng phục vụ chiến lược xây dựng nhân lực cho công nghệ thông tin và cả chuẩn hóa, chúng ta đã có không ít chương trình, đề án mà kết quả khiêm tốn hơn rất nhiều so với các mục tiêu ban đầu đề ra.
Tất cả xuất phát từ tư duy giáo dục, đào tạo quá cao siêu, xa rời thực tế!
Giờ đây, nếu vội vã triển khai giáo dục AI thì chúng ta lại rất dễ đi vào vết xe đổ ngày trước với Pascal, C++… Có cần thiết không khi dạy AI cho học sinh từ khối lớp 3? Hay có cần thiết không khi hướng đến chuyện học sinh phổ thông mà phải thành thạo cả "code máy tính". Tất nhiên, đối với những học sinh đam mê và xuất chúng thì cần ủng hộ, nhưng đừng cào bằng đòi hỏi tất cả đều đam mê, đều xuất chúng.
Khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh, kỷ nguyên công nghệ thông tin, rồi internet, rồi dữ liệu lớn, rồi blockchain… và nay là AI liên tục bùng nổ tạo ra những tác động sâu sắc đến nhân loại. Sau AI thì còn gì nữa? Chắc chắn còn, có thể là điện toán lượng tử (Quantum computing) hay gì đó!
Với dòng chảy phát triển liên tục với tốc độ khó tưởng tượng nổi như hiện nay, nhiều ngành, lĩnh vực mới liên tục ra đời và đột phá. Giữa dòng chảy như vậy, cách căn cơ nhất vẫn là trang bị cho học sinh từ sớm về khả năng tư duy, tiếp cận và khai thác cái mới. Đó mới là cách phát triển bền vững. Đừng vội vã chạy đua với tư tưởng giáo dục cao siêu rồi thực hiện những chương trình xa rời thực tế!
Bình luận (0)