Sắp tới, chúng ta còn đang theo đuổi mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Những nỗ lực đó cần được tiếp tục như một chiến lược phát triển chung. Tuy nhiên, sự thay đổi của thế giới đang tạo ra những thay đổi sâu sắc đối với lực lượng lao động.
Hơn 2 tháng trước tại Mỹ, trong lần gặp gỡ và nghe phát biểu trực tiếp từ lãnh đạo của một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Synopsys, Microsoft, ARM…, người viết được chia sẻ rằng hiện nay, nhiều công đoạn trong lập trình phần mềm, thiết kế chip đã được thực hiện cả bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Chỉ hơn 5 năm trước, chẳng mấy ai có thể nghĩ rằng những công việc như vậy, hay thậm chí là phân tích tài chính, phát triển chuỗi gien… có thể được thực hiện bởi AI.
Nếu thế kỷ 20, máy móc rồi dây chuyền tự động hóa đã thay đổi công việc của nhóm lao động mặc áo "cổ xanh" (công nhân), thì nay AI đang thay đổi cả công việc của đội ngũ mặc áo "cổ cồn" (lực lượng lao động văn phòng, tri thức). Chính vì thế, để không bị bỏ lại phía sau, người lao động phải nâng cao kiến thức, kỹ năng để theo kịp sự phát triển. Ví dụ, biết cách khai thác AI để phục vụ cho công việc, đừng mất thời gian vào những việc AI có thể làm. Hay xa hơn, người lao động phải có khả năng chuyển đổi để có thể đáp ứng những công việc mới của thế giới đến từ sự tác động, thay đổi của AI.
Việt Nam chúng ta đang bước đến giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng và nỗ lực chuyển dịch sang lớp giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, để không còn lệ thuộc vào những ngành nghề thâm dụng lao động như hiện nay. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tổng thể. Vì để có thể khai thác công nghệ hay tiếp nhận đầu tư, thì nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt.
Trước áp lực và xu hướng thay đổi đang diễn ra trên toàn cầu, nếu muốn thành công, bứt phá thì chúng ta cần phải có những chiến lược đủ tầm. Với nguồn nhân lực, đó chính là chiến lược phát triển chất lượng lao động không chỉ đáp ứng được xu thế chung mà còn phải đủ sức đón đầu tương lai khi có những chuyển đổi tạo ra các ngành nghề mới, chứ không phải chỉ đơn thuần là "theo đuôi" xu hướng.
Khi đó, người lao động "cổ xanh" hay "cổ cồn" đều có được chiếc "cần câu" đủ để tự tin "bắt cá". Có như thế, chúng ta vừa phát triển đất nước mà không còn phải quanh quẩn giải quyết "con cá" để người công nhân đỡ vất vả tạm thời.
Bình luận (0)