Dũng tướng Châu Văn Tiếp của vua Gia Long xuất thân từ nghề… buôn ngựa

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
18/05/2021 11:51 GMT+7

Một trong ba tên tuổi của Gia Định tam hùng là Châu Văn Tiếp. Ông sinh năm 1738, có tổ tiên ở Phù Mỹ, phủ Quy Nhơn, sau dời về Đồng Xuân, phủ Phú Yên, từng xuất thân từ… nghề buôn ngựa.

Được biết, dũng tướng Châu Văn Tiếp (còn có tên Châu Doãn Ngạnh) trước khi phò vua Gia Long từng là một tay buôn ngựa có "số má". Nhờ có dịp đi đó đây, ông quen biết khá nhiều người mà sau này đều trở thành vương tướng của nhà Tây Sơn, như: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu... Song, người bạn mà ông thân thiết nhất chính là Lý Văn Bưu vì cùng nghề.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn trong tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn (Dtbooks và NXB Hồng Đức vừa ấn hành) cho biết: "Sau khi Tây Sơn dấy binh, Châu Văn Tiếp cùng với các anh em là Châu Doãn Chứ, Châu Doãn Chấn, Châu Doãn Húc chiêu mộ được hơn một ngàn người, đóng quân trên núi Trà Lang. Lúc đầu, Tiếp nghe lời thuyết phục của Nhạc, mang quân hợp cùng quân Tây Sơn, tưởng là để bảo vệ cơ nghiệp nhà Nguyễn, sau thấy được mưu đồ của anh em Nguyễn Nhạc, bèn đầu quân với tướng nhà Nguyễn là Tống Phước Hiệp và những năm sau đó, lập được nhiều công trạng...".

Từng được vua Gia Long cử làm Khâm sai Đô đốc Chưởng cơ, tước Quận công

Cũng theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn: “Năm 1780, sau khi lên ngôi vương, chúa Nguyễn Ánh triệu Châu Văn Tiếp vào Gia Định, cử làm Khâm sai Đô đốc Chưởng cơ, tước Quận công. Năm 1782, trước sức tiến công dũng mãnh của quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc, Châu Văn Tiếp đã giương cao ngọn cờ thêu bốn chữ “Lương sơn tá quốc”, điều động thuộc tướng chia nhiều ngả tiếp ứng. Trong những trận chiến ác liệt sau đó giữa hai bên, quân Tây Sơn yếu thế phải lui về Quy Nhơn, Châu Văn Tiếp chiếm lại Sài Gòn, rước chúa Nguyễn Ánh trở về. Sau thành tích này, ông được cử làm Ngoại tả Chưởng doanh”.

Mộ phần hiện nay được cho là của võ tướng Châu Văn Tiếp

Ảnh: T.L

Trong tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn, tác giả Lê Nguyễn kể thêm: “Mùa xuân năm 1783, Nguyễn Huệ mang quân vào tấn công Gia Định, Châu Văn Tiếp sử dụng chiến thuật hỏa công để chống trả nhưng không thành công, phải lui quân. Tháng 2 ÂL năm 1784, chúa Nguyễn ẩn lánh trên đất Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Trong cuộc hội kiến giữa chúa với vua Xiêm, Châu Văn Tiếp từ ngoài đi vào, quỳ ôm gối chúa khóc mãi không thôi, vua Xiêm thấy thế bảo bầy tôi rằng: “Chiêu Nam cốc (nghĩa như Nam Việt Thiên Vương) có bầy tôi như thế là có lòng trời. Bèn ước hẹn giúp quân để mưu đồ khôi phục” (Đại Nam thực lục - tập 1, trang 221).
Tiếp đó, vào tháng 6 ÂL năm 1784, chúa Nguyễn cử Châu Văn Tiếp làm Bình Tây Đại đô đốc, chỉ huy quân lính Việt cùng 2 vạn thủy quân Xiêm và 300 chiến thuyền tiến về Gia Định. Sau những chiến thắng ban đầu, tháng 10 ÂL năm ấy, Châu Văn Tiếp đưa thủy quân đánh quân Tây Sơn trên sông Mang Thít. Trận đánh mang lại thắng lợi lớn cho quân Nguyễn, song ông bị thương nặng và tử trận. Cái chết của ông là tổn thất nặng nề cho lực lượng của chúa Nguyễn Ánh, mở đường cho việc quân Xiêm lợi dụng thời cơ sát hại dân lành và cuối cùng bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút.

Mô tả về Võ Tánh - một trong Gia Định tam hùng trên bìa sách Trung tiết anh hùng: Lịch sử ông Võ Tánh (1930) của tác giả Huyền Mặc đạo nhân

Ảnh: T.L

Vào thế kỷ 18 và 19, một số nước Đông Nam Á có một thỏa thuận bất thành văn, rằng khi một nước lâm nguy về mặt đối nội hay đối ngoại và có lời yêu cầu, một nước khác đang có bang giao tốt có thể mang quân sang để giúp bảo vệ xứ sở của họ. Vì vậy, theo tài liệu in trong cuốn sách đã dẫn mới phát hành của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn: “Điều này được chứng minh bằng thực tế lịch sử: tháng 2 ÂL năm 1786, trong lúc tá túc ở kinh thành Vọng Các (Bangkok) của nước Xiêm, các tướng của Nguyễn Ánh đã giúp vua Xiêm đánh tan cuộc tấn công của quân Miến Điện; từ thời các chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, quân Việt nhiều phen kéo sang Chân Lạp, giúp nước này giải quyết những cuộc xung đột nội bộ hay đánh lui những cuộc xâm nhập, tấn công của quân Xiêm”.
Như vậy, hai người trong nhóm Gia Định tam hùng là Đỗ Thanh Nhơn, Châu Văn Tiếp đều có cái kết bi kịch; còn lại Võ Tánh cũng phải tuẫn tiết, chọn cái chết cho mình để tướng sĩ dưới quyền được bình yên cũng là một tấm gương lớn lưu danh cho hậu thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.