Cơ quan tôi đông nhân sự, hơn 500 người, nên giữa tôi và anh này cũng chỉ biết nhau, chứ không phải là thân thiết hay cùng bộ phận. Vừa kịp cười chào, đã thấy anh này một tay nâng ly bia, tay kia làm hành động “ngoắc ngắc” về phía tôi. Ý chừng là anh biểu tôi tiến qua bàn anh mà uống một chút. Cử chỉ có phần trịch thượng và khá khiếm nhã, đặc biệt là đối với phụ nữ. Tôi nhẹ nhàng từ chối, kèm theo câu cảm ơn, từ xa.
tin liên quan
Phạt 7.000 cửa hàng đồ lót nữ tuyển nam giới bán hàng(TNO) Hơn 7.000 cửa hàng đồ lót và phụ kiện dành cho nữ giới ở Ả Rập Xê Út đã bị phạt trong năm qua do vi phạm lệnh cấm tuyển dụng đàn ông trong các cuộc bố ráp ngẫu nhiên của nhà chức trách.
Anh này dường như phật ý, hỏi “Có quen không? Quen thì qua đây...”. Vài người đàn ông lạ mặt ngồi cùng bàn với anh quay lại nhìn tôi tựa... quái vật, kiểu như “Sao trên đời lại có hạng đàn bà... chảnh chó, được vẫy qua uống mà lại còn lừng khừng cơ chứ!”.
Tôi và bạn cũ rời khỏi quán trước, khi đứng dậy, tôi cố tình vui vẻ chào anh đồng nghiệp nhưng anh lơ đi, mấy người còn lại ngó tôi không mấy thiện cảm. Chuyện chỉ có thế, nhưng vài hôm sau, tôi nghe phong thanh trong công ty đồn là tôi... có bồ, bị người ta tận mắt bắt gặp đi với nhân tình! Khỏi phải nói, tôi ngạc nhiên vô cùng, nghĩ mãi không ra, cuối cùng mới biết, tiếng dữ đồn xa từ cái hôm tôi tình cờ gặp phải đồng nghiệp quý báu ở quán mà không biết “nể mặt”!
Thực ra, cái cảnh đồng nghiệp túm tụm xì xào, đặt điều, nói xấu, dè bỉu lẫn nhau chắc không mấy ai xa lạ, ở văn phòng nào cũng có, chẳng ít thì nhiều. Ở một đơn vị nhiều nữ như công ty tôi, người ta khó chịu vì bạn có cái xe mới mà không rộng rãi “rửa”, họ nhắc thẳng vào mặt bạn, cứ như thể bạn đang nợ nần gì thiên hạ vậy.
Người ta có thể ghét vì bạn không giống họ, cứ trưa trưa là ra khỏi cửa đi đâu đó. Bạn có thể được gán sau lưng rằng “chắc hẹn hò cơm trưa ở khách sạn chứ còn gì nữa”, thật chẳng đùa! Người ta bực bội hỏi lẫn nhau, vì sao bạn không “hòa đồng” bằng cách phải tham gia các chuyến đi chơi chung với tập thể mà quên mất nhà bạn có người già bị lẫn phải chăm sóc.
Người ta chướng mắt vì bạn ăn diện, trang điểm; người ta bĩu môi chê bai thương hại khi bạn xuề xòa. Người ta tò mò vào cuộc đời riêng của nhau, thậm chí bất chấp cả “đương sự” không có nhu cầu chia sẻ, vẫn bị sỗ sàng cao ngạo chỉ giáo, khuyên nhủ kiểu “Em nên gặp ai cũng cười nói nhiều hơn. Nhiều người bảo em chẳng có tính quần chúng, lúc nào mặt cũng dàu dàu”. Sống sao cho vừa lòng “thiên hạ” nơi chốn văn phòng, những người mà bạn vì miếng cơm manh áo phải giáp mặt ngày ít nhất tám tiếng, còn nhiều hơn cả thời gian dành cho chồng con, gia đình là cả một vấn đề...
Đừng tưởng chỉ có hai người đàn bà và một con vịt mới nhiều chuyện. Nam giới là công nhân viên chức cũng sẵn sàng “chơi” nhau sát ván. Rằng tay đó ky bo bần tiện. Nịnh bợ. Sợ vợ. Thờ bà. Không biết điều. Chuyên đùn đẩy việc cho người khác... Những chủ đề rì rầm như làn sóng ngầm độc địa ấy khiến cho người trong cuộc khổ sở mà chẳng thể nào thanh minh hay giải thích công khai với ai, ở đâu, thế nào...
Tôi từng băn khoăn trên đường về, rằng không biết rồi bọn họ sẽ thanh toán cái chầu nhậu trong giờ làm việc của mình như thế nào. Chia đều nhau ư, hay là sẽ có ai đó phải móc hầu bao, rồi về ấm ức vì bị lừa vô tròng? Cái cảnh sếp rủ nhân viên đi nhậu, sau đó hồn nhiên coi như không thấy phục vụ mang hóa đơn ra, xem như đấy là chuyện của mấy cô cậu cấp dưới, tôi từng nhiều lần đối mặt.
Cả tình huống khi được sếp mời sinh nhật hay ăn mừng được thăng tiến thành tích gì đấy để rồi cuối tháng toàn bộ nhân viên phải nể nang có mặt đều bị kế toán trừ lương. Giải thích ngắn gọn: phụ (hay chính xác hơn là chịu toàn bộ) chi phí cuộc vui do sếp chủ trì.
Bất kể ai đó nhiều khi chỉ ngồi một lát cho phải phép lịch sự vẫn phải gánh tiền mồi lẫn bia bọt cho những người ngồi thiền từ giờ cơm trưa cho tới tận xế chiều... Sếp vừa được tiếng lại chả tốn xu nào. Rút kinh nghiệm không đi ư? Tồn tại nổi mới lạ!
Dân văn phòng thường chơi mạng xã hội. Làm chủ công nghệ cũng như các chiêu trò hạ nhục nhau trên ấy. Nhẹ thì bóng gió xa xôi ám chỉ. Nặng thì “còm” thẳng thừng. Không thô lỗ chửi bới, chẳng ngôn từ tục tĩu, nhưng thâm sâu cay cú cũng hiếm có giới nào sánh bằng!
Văn hóa công ty là cái gì đó vô cùng cao xa và trừU tượng, và trong những văn phòng rù rì máy lạnh, nhân sự ra vô thơm nức mùi nước hoa, ăn diện ngút trời ấy, người ta đối đãi với nhau khắc nghiệt và không kém phần tàn nhẫn bởi vài mâu thuẫn cá nhân liên quan tới quyền lợi hoặc đơn giản chỉ do “gato”, “nhìn thấy mà ghét”.
Vậy thôi. Sự đố kỵ soi mói chỉ muốn đè bẹp nhau ấy khiến người có chút tự trọng cảm thấy ngột ngạt xấu hổ, người không hảo món “buôn và chém gió” trở nên lạc lõng, người muốn sống yên thân theo cách của mình càng không được...
Bình luận (0)