Dừng tuyển sinh các chương trình chưa cấp phép

21/06/2010 00:29 GMT+7

Hàng loạt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài hoạt động trái phép khiến dư luận không khỏi băn khoăn về vai trò quản lý của các cơ quan chức năng.

Phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Vang (ảnh), Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (ĐTVNN), thuộc Bộ GD-ĐT, cơ quan có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt các chương trình đào tạo nước ngoài tại VN.

* Hiện có nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài liên kết đào tạo tại VN nhưng chưa được cấp phép. Vậy Cục có biết không và có hình thức xử lý như thế nào? 


Ông Nguyễn Xuân Vang - Ảnh: Vũ Thơ

- Theo quy định hiện nay thì tất cả các cơ sở giáo dục đại học VN (trừ 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng được tự chủ về cấp phép liên kết ĐTVNN), muốn liên kết đào tạo từ bậc đại học trở lên đều phải xin phép Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, một số cơ sở không trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ GD-ĐT đã thực hiện chương trình liên kết ĐTVNN mà không xin phép, không báo cáo Bộ. Cục ĐTVNN mới thành lập được 2 năm, chưa có đủ nhân lực. Vì thế, chúng tôi chỉ đi kiểm tra một số điểm.

Những chương trình liên kết đào tạo  chưa được cấp phép là sai luật, phải dừng tuyển sinh, làm hồ sơ xin cấp phép theo đúng quy định và chịu phạt hành chính để đảm bảo quyền lợi của học viên. Căn cứ hồ sơ cụ thể, các cơ quan có trách nhiệm sẽ thẩm định chương trình, đánh giá đối tác nước ngoài và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Sau đó sẽ đưa ra giải pháp, nếu chương trình không đảm bảo chất lượng thì có thể bằng cấp sẽ không được công nhận. 

* Nhưng thưa ông, tại sao có không ít chương trình liên kết trái phép diễn ra công khai trong thời gian dài mà cơ quan chức năng không xử lý?

- Điều bất cập là có nhiều đầu mối cấp phép và quản lý ngoài  Bộ GD-ĐT. Việc xử lý vi phạm của ta chưa nghiêm và còn nhẹ. Tuy nhiên ở VN hiện nay vẫn còn tâm lý chạy theo bằng cấp. Có cầu chắc chắn sẽ có cung và điều này không chỉ xảy ra ở nước ta mà còn xảy ra ở các nước khác, ngay cả ở Mỹ. Vấn đề quan trọng nhất là người học phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình nếu họ thực sự muốn học.

 * Nghĩa là nếu chọn nhầm các cơ sở đào tạo trái phép, người học phải chấp nhận?

- Tôi cho rằng quyết định là ở người học. Trong thế giới phẳng hiện nay, chỉ cần một nhấp chuột máy tính là có thể kiểm tra xem đối tác nước ngoài có tin cậy không và nếu không có thông tin, họ có thể vào trang web của Cục ĐTVNN hoặc mail cho Cục theo địa chỉ phongduan@vied.vn để tìm hiểu thông tin. Bên cạnh đó, các chương trình liên kết được cấp phép phải công khai trong các quảng cáo và thông báo tuyển sinh, trích dẫn số giấy phép được cấp. Trong thời gian tới, Cục sẽ đưa danh sách các chương trình liên kết đào tạo được Bộ GD-ĐT cấp phép lên mạng.

* Theo ông, giải pháp nào để quản lý các chương trình liên kết ĐTVNN hiệu quả?

- Để quản lý hiệu quả các chương trình liên kết đào tạo, đòi hỏi Bộ GD-ĐT, các đại học quốc gia, đại học vùng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được tốt. Trước hết, chúng ta phải tôn trọng pháp luật, phải có cơ chế xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Việc này Bộ GD-ĐT không thể làm một mình được, phải có sự phối hợp của các cơ quan chức trách nhà nước.

* Vậy theo ông các trường tự chủ như  ĐH quốc gia, ĐH vùng Bộ không cấp phép nhưng nếu hoạt động, liên kết sai thì sẽ xử lý như thế nào?

- Năm 2010, Bộ đã gửi công văn yêu cầu các đơn vị này báo cáo nhưng đến nay vẫn chưa nhận được (trong số các ĐH quốc gia và ĐH vùng mới chỉ có ĐH Thái Nguyên và trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội nộp báo cáo). Nếu  chương trình liên kết của các trường này sai thì sẽ phải xử lý theo quy định hiện hành.

* Hiện có những chương trình đào tạo MBA online, từ xa và dạy bằng tiếng Việt thông qua phiên dịch. Theo ông những chương trình đào tạo này có đảm bảo chất lượng hay không? 

 - Học từ xa, online... cũng chỉ là phương thức học và là lựa chọn của người học để đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc học qua phiên dịch để lấy bằng cấp. Thực tế chưa có quy định cứng về việc này nhưng Bộ GD-ĐT chưa cấp phép cho đơn vị nào giảng dạy bằng tiếng Việt khi liên kết với nước ngoài. Nếu đối tác nước ngoài đồng ý cho dạy bằng tiếng Việt thì phải xem lại đối tác này.

5 nguyên tắc chọn chương trình liên kết  quốc tế

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - ĐH QG TP.HCM đưa ra 5 nguyên tắc chọn chương trình liên kết  quốc tế:

1. Chọn các đối tác tốt phía VN. Các trường đại học công lập lớn, có truyền thống và có tên tuổi, thường cẩn trọng trong việc chọn đối tác hơn các công ty tư nhân hoặc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

2. Yêu cầu của chương trình. Gồm có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bằng cấp đầu vào bảo đảm người học có những năng lực tối thiểu theo được chương trình học. Ngoài ra còn có yêu cầu về thời gian hoàn tất chương trình (thông thường để hoàn tất bằng Master bán thời gian không thể dưới 18 tháng); yêu cầu của bài tiểu luận hoàn tất môn học thường dài khoảng 5.000 từ tiếng Anh; chương trình nào chỉ yêu cầu thi trắc nghiệm sẽ không đảm bảo về chất lượng; yêu cầu về trình độ tiếng Anh nếu các chương trình này bằng tiếng Anh.

3. Chất lượng của trường nước ngoài. Một cách đơn giản là xem xét các bảng xếp hạng trường đại học trên thế giới hoặc khu vực. Các trường có tên trong danh sách 200 trường hàng đầu của các bảng xếp hạng nổi tiếng như US News and World Report, hoặc SJTU (Đại học Giao thông Thượng Hải), hoặc của QS đều là các trường có thể tin cậy được. Các kết quả xếp hạng này đều được đưa lên mạng hằng năm, và có thể dùng công cụ tìm kiếm như Google để tra cứu.

Đặc biệt, cần cảnh giác với những trường mới thành lập trong vòng 10 năm trở lại đây, với những tên gọi nghe rất kêu theo kiểu ĐH Quốc tế Châu Á (đã từng là scandal ở VN), ĐH Quốc tế Mỹ (!), hoặc những cái tên to tát khác.

4. Tình trạng được kiểm định của các trường đối tác. Hoàn toàn có thể kiểm tra được điều này bằng cách vào cơ sở dữ liệu các trường được kiểm định tại địa chỉ http://ope.ed.gov/accreditation/Search.aspx. Chỉ cần gõ tên trường cần tìm hiểu, sẽ có ngay kết quả cần có.

5. Hỏi thông tin. Một nguồn thông tin quan trọng là những diễn đàn của các sinh viên, cựu sinh viên VN đang học các chương trình tương tự, chẳng hạn trang web sau: http://saobiennhatrang.com/phpbb3/viewtopic.php?f=18&t=389.

Thiên Long (ghi)

Vũ Thơ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.