Mặc dù Bộ Công thương đã khẳng định không có chuyện dừng bán hoàn toàn xăng A92 tại 8 tỉnh, thành phố từ ngày 1.6 theo lộ trình tiến đến thay thế hoàn toàn xăng E5 trên thị trường trong tương lai, nhưng trước kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học VN, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn giao bộ này xem xét lấy ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này.
Tư duy bao cấp
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng giám định phản biện khoa học kỹ thuật môi trường, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM, nhận xét kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học VN còn nặng tư duy bao cấp, yêu cầu được độc quyền một sản phẩm này, bỏ sản phẩm kia chính là cách phản lại chính sách kinh tế thị trường mà VN đang theo đuổi.
“Kiến nghị khiến người dân có cảm giác như bị áp đặt, không có sự lựa chọn, cho dù chỉ với một mặt hàng tiêu dùng là xăng. Thứ nữa, đã là nền kinh thế thị trường, đưa ra một kiến nghị như vậy sao được, khi sản phẩm xăng A92, A95 không phải là chất cấm, thế giới vẫn đang lưu hành sử dụng, bỗng dưng phải “khai tử” mà lý do không rõ ràng”, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng kiến nghị trên là không khả thi và đi theo tư duy cũ, phi thị trường. “Thực tế, việc xăng E5 không được người tiêu dùng ưa chuộng là do giá cả không hấp dẫn, không cạnh tranh nổi với loại xăng truyền thống trong khi người tiêu dùng vẫn chưa chắc chắn về hiệu quả. Giá thành sản xuất xăng sinh học E5 của VN quá cao do giá nguyên liệu cao, năng suất thấp cùng với công nghệ lạc hậu. Trong số các nhà máy sản xuất E5 hiện chỉ còn 2 - 3 nhà máy hoạt động. Các nhà máy khác ngưng sản xuất vì lỗ đến 3.000 đồng/lít nên không thể cạnh tranh với sản phẩm khác trên thị trường”, ông Long phân tích.
Một giám đốc công ty xuất nhập khẩu xăng dầu tại TP.HCM thông tin, hiện tỷ lệ bán xăng E5 tại các đại lý xăng trên hệ thống của công ty còn rất thấp, bởi cả người bán lẫn người mua chưa thực sự coi trọng. “Trung bình bán ra được 100.000 lít xăng A92 và A95, cùng thời gian đó, xăng sinh học E5 chỉ bán tầm 3.000 lít, tức chiếm 3% lượng xăng của doanh nghiệp bán ra”, vị giám đốc này cho biết.
Khảo sát chiều 2.6 của chúng tôi tại một số cửa hàng xăng trên địa bàn Q.1 và Q.3 cho thấy, mức chênh lệch giá xăng giữa E5 và A92 không cao.
Chẳng hạn, tại cửa hàng xăng của Petrolimex nằm trên đường Trương Định (Q.3, TP.HCM), xăng A92 được bán giá 16.820 đồng/lít trong khi xăng A92 - E5 giá 15.300 đồng/lít. Mức chênh lệnh 1.520 đồng/lít cao hơn so với mức trung bình 1.000 đồng/lít mà nhiều doanh nghiệp áp dụng. Song con số này cũng thực sự không hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
Theo nhân viên tại cửa hàng xăng dầu trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) và Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM), Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), do thông tin về sản phẩm E5 đến tai người tiêu dùng còn rất sơ sài, nhiều khách hàng chưa biết chất lượng xăng thế nào nên không quan tâm đến E5. Thứ nữa, giá xăng sinh học không thấp hơn xăng truyền thống là bao, nên giải pháp của người tiêu dùng là “chọn cách an toàn nhất là xăng truyền thống”.
Tính lại bài toán giá thành E5
Phản đối việc áp đặt độc quyền chỉ bán E5, khai tử A92, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh gợi ý “giả sử xăng E5 được bán với giá 9.000 - 10.000 đồng/lít, xem thử còn có chuyện người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm không?”.
“Để người dân chấp nhận E5 như một sản phẩm bình thường, công tác tuyên truyền rằng sản phẩm đó tốt, hoàn toàn không có hại cho máy móc của xe. Song điều quan trọng hơn là giá thành. Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu năm nào cũng có báo cáo lợi nhuận khủng, tại sao chúng ta không xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh E5 nhiều hơn, người tiêu dùng chọn E5 như giải pháp tốt nhất thay vì “khai tử” A92, dành quyền ưu tiên cho E5? Chẳng hạn, bỏ hẳn trích lập dự phòng cho xăng A92, đổ hết ưu tiên cho E5. Lúc đó, chênh lệch giá giữa hai mặt hàng này sẽ khác, người dân sẽ chọn hàng giá rẻ hơn. Giải pháp trước mắt là cho kinh doanh song song, ưu tiên doanh nghiệp nào chịu đầu tư làm bể chứa E5 để bán”, TS Ninh đưa ra giải pháp.
Tuy nhiên, đó mới là giải quyết phần ngọn, theo TS Ninh, giá xăng E5 của VN còn cao do “chúng ta chọn nguyên liệu để làm xăng sinh học quá sang”.
Ông Ninh kể, năm 1973 có cuộc khủng hoảng xăng lớn trên toàn thế giới, Brazil sử dụng cồn 100% và giá cồn được bán ở thời đó chỉ bằng phân nửa giá xăng, nhờ vậy Brazil tránh được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới.
“Sở dĩ Brazil đã làm được xăng sinh học giá rẻ từ hơn 40 năm trước do họ sử dụng nguyên liệu sản xuất giá thành thấp như mật rỉ từ công nghệ làm đường, là thứ bỏ đi, họ tận dụng để làm xăng sinh học. Sau này, tại nhiều nước châu Âu, Mỹ cũng sản xuất E5 từ nguyên liệu rẻ như rơm rạ, lá cây, mùn cưa… mới có giá thành rẻ. Chứ không ai trồng khoai mì, cây lương thực để làm xăng sinh học như VN cả. Chúng ta dùng cây lương thực để làm nhiên liệu sản xuất xăng sinh học tất có giá thành đắt là phải rồi”, ông Ninh nói.
Chuyên gia Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh: “Trong điều kiện kinh tế hiện nay của VN, vấn đề hiệu quả phải được xem lại ngay từ quy hoạch vùng nguyên liệu đến quy trình sản xuất, trang thiết bị công nghệ và sau đó đến bài toán phân phối, bán lẻ. Làm thế nào đảm bảo được lợi ích của tất cả mọi thành viên tham gia quy trình này, từ nhà sản xuất đến nhà phân phối và người tiêu dùng. Giả sử nếu xăng E5 được bán thấp hơn 3.000 - 5.000 đồng/lít so với xăng A92 thì người dùng sẽ mua ngay. Bên cạnh đó, các công ty kinh doanh xăng dầu nếu thấy có đầu ra, có lãi cũng không cần đợi nhà nước thúc giục mà họ sẽ chuyển sang kinh doanh sản phẩm này”.
“Nếu bắt ép cả người bán lẫn người mua phải sử dụng nhưng không hiệu quả, thua lỗ thì ai sẽ gánh chịu và bù lỗ? Nếu biết càng thua lỗ mà càng lao vào để sản xuất nhiều hơn thì quá là hoang tưởng. Hệ thống sản xuất kinh doanh xăng sinh học E5 của VN chưa hình thành đã chết. Vì vậy, chúng ta không được cố đấm ăn xôi”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Chỉ nên khuyến khích tiêu thụ
Ngoài giá, nhiều doanh nghiệp cho rằng tính thẩm thấu của E5 cũng cao hơn xăng bình thường nên hao hụt trong quá trình vận chuyển, chứa tại bồn cũng cao hơn. Nếu hàng bán thừa, lại phải đầu tư các loại chi phí cho bồn chứa, vệ sinh bồn bể, mặt bằng, phối trộn... cao, thì doanh nghiệp không mặn mà.
“Giải pháp trước mắt là khuyến khích đẩy mạnh sản phẩm E5 chứ không phải khai tử A92. Chính phủ cần sớm có cơ chế hỗ trợ về thuế, bù đắp chi phí gia tăng khi doanh nghiệp phải chuyển đổi bồn bể từ xăng truyền thống sang xăng E5 để doanh nghiệp không bị thua lỗ”, ông Lê Đức Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu khí Sài Gòn, kiến nghị.
|
Bình luận (0)