Đừng xây lâu đài trên cát

13/02/2023 04:14 GMT+7

Trong 2 ngày qua, tình hình truy cập internet đã được cải thiện đáng kể sau những gián đoạn do sự cố của một số tuyến cáp quang biển.

Nhưng dường như sự cải thiện chỉ diễn ra khi lãnh đạo Bộ TT-TT thúc ép các nhà cung cấp dịch vụ đẩy nhanh các giải pháp xử lý như mở thêm hướng kết nối trên đất liền, doanh nghiệp còn dư dung lượng thì chia sẻ cùng doanh nghiệp đang thiếu…

Vì thế, người dùng có quyền đặt câu hỏi, nếu Bộ TT-TT không vào cuộc thúc ép thì liệu chất lượng truy cập internet bị ảnh hưởng do sự cố có được cải thiện? Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, người dân VN đã quá quen thuộc với điệp khúc truy cập internet chậm do "cá mập cắn cáp". Tất nhiên, nguyên nhân "cá mập cắn cáp" ở đây chỉ là một ví von mang tính tượng hình cho thực tế kết nối mạng internet ở VN thỉnh thoảng lại gặp khó khăn do các sự cố về kết nối trên biển. Nhưng tái diễn nhiều lần khiến nhiều người dùng internet ở VN cảm giác như phải chấp nhận "sống chung với… cá mập".

Không dừng lại ở việc người dùng phải chấp nhận tình trạng ấy, việc chất lượng truy cập internet thường xuyên gặp trục trặc còn đặt ra câu hỏi lớn hơn, vĩ mô hơn về năng lực hạ tầng mạng của VN.

Gần đây, chúng ta thường xuyên nói về chuyển đổi số, thường xuyên nói về xu thế phát triển kinh tế giữa kỷ nguyên internet, nói về kinh tế số với những mục tiêu đầy tham vọng. Cũng nằm trong xu thế ấy, VN đang ra sức "lót ổ" để thu hút những "đại bàng" là các tập đoàn toàn cầu, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ. Nhưng làm sao có thể kỳ vọng chuyển đổi số nhanh chóng và hiệu quả, làm sao có thể kỳ vọng phát triển kinh tế số hay "lót ổ đón đại bàng" với hạ tầng mạng mà khả năng truy cập internet lại thỉnh thoảng chập chờn.

Dĩ nhiên, những trục trặc về hạ tầng luôn có thể xảy đến, nhưng nếu các sự cố ấy thường xuyên lặp lại với tính chất giống nhau thì rất đáng để lo ngại về năng lực quản lý, kiểm soát.

Thực tế, có rất nhiều vấn đề đáng lo xung quanh các tuyên bố hay cam kết về hạ tầng mạng ở VN. Một ví dụ khác có thể kể đến là việc triển khai mạng 5G. Cách đây chưa lâu, nhiều nhà mạng đưa ra các tuyên bố hùng hồn về "cuộc cách mạng 5G", tổ chức các sự kiện thí điểm 5G hoành tráng cùng những khẳng định như VN đi trước nhiều nước phát triển. Nhưng đến nay, ngay tại TP.HCM thì sự mở rộng của việc phát sóng 5G gần như chưa đáng kể so với thời điểm tuyên bố cách đây hơn 1 năm. Trong khi đó, 5G đã phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia.

Từ những thực tế trên, thay vì tuyên bố ồn ào thì cần có hoạch định cụ thể, triển khai hiệu quả để củng cố, phát triển hạ tầng mạng vốn đóng vai trò nền móng. Vì nếu không, những nỗ lực về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số… chẳng khác nào xây lâu đài trên cát!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.