Đừng 'xô đẩy' báo chí ra khỏi một phiên tòa công khai

06/03/2018 12:00 GMT+7

10 bị cáo trong vụ án xét xử các nguyên lãnh đạo Navibank đề nghị được bảo vệ quyền cá nhân đối với hình ảnh, phản đối báo chí chụp hình khi chưa có sự đồng ý của các bị cáo.

Trong tuần qua, tại phiên tòa xét xử 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) phạm tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho ngân hàng này 200 tỉ đồng, đã xảy ra tranh cãi ngoài vấn đề nội dung vụ án khi bị cáo và các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị báo chị không chụp hình các bị cáo khi chưa được sự đồng ý của họ.
Vào tối 1.3, trên mạng xã hội, một luật sư đã đăng status yêu cầu nhà báo không được chụp ảnh bị cáo do họ bào chữa. Nếu vẫn chụp hình thì sẽ bị "hội đồng bào chữa bảo vệ quyết liệt".
Dòng trạng thái trên tài khoản Facebook của luật sư trên nêu: “Với những vụ án khác, cánh báo chí có thể đưa hình ảnh cá nhân của bị cáo tại phiên tòa, trong sân tòa, hoặc bất kỳ địa điểm nào khác mà không cần đến sự đồng ý của các bị cáo, thậm chí gặp phải sự phản đối gay gắt của bị cáo nhưng nhà báo vẫn vô tư đưa hình ảnh cá nhân các bị cáo. Chúng tôi chưa quan tâm. Nhưng chỉ trong vụ án Navibank, nếu các báo đưa hình ảnh kèm bài viết mang tính phán xét các bị cáo sẽ phải gặp phải sự bảo vệ quyết liệt của các luật sư trong 'Hội đồng bào chữa' trong thời gian sắp tới. Mong là các nhà báo 'dislike' các bị cáo này sẽ không là các đối thủ của các luật sư bào chữa trong vụ án Navibank”.
Đến sáng 2.3, nội dung của status trên được cụ thể hóa khi đồng loạt 10 bị cáo có đơn yêu cầu tòa án bảo vệ quyền cá nhân của họ đối với hình ảnh được Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định.
Báo chí được quyền tác nghiệp như thế nào?
Luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), cho biết điểm d khoản 2 Điều 25 luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ 1.1.2017 quy định, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
“Nghĩa là hoạt động của phóng viên được pháp luật bảo hộ quyền của mình, được tác nghiệp theo luật và hoạt động tại tòa án. Khi phóng viên tác nghiệp trình báo Thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cho Tòa án thì tác nghiệp của họ thực hiện theo quyền mà luật quy định. Không có bất cứ ai có quyền cản trở tác nghiệp của phóng viên", theo LS Tuấn.
“Tuy nhiên, đối với một phiên tòa hình sự, việc tác nghiệp của báo chí cũng phải tuân thủ các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 về nội quy phiên tòa và Thông tư 02/2017 của chánh án TAND Tối cao về quy chế tổ chức phiên tòa. Theo đó, Điều 256 BLTTHS 2015 và Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa đều quy định mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, do đó chúng ta phải hiểu rằng: moị hoạt động trong phiên tòa phải chịu sự quản lý điều hành của chủ tọa phiên tòa", LS Tuấn phân tích.
"Do đó, việc có LS hoặc bị cáo có đề nghị chủ tọa không cho báo chí tác nghiệp để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo theo quy định của của BLDS thì tất cả cũng phải theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”, LS Tuấn phân tích thêm.
Quyền hình ảnh cũng theo sự điều hành của chủ tọa
LS Trương Quốc Hưng (Đoàn LS TP.Hà Nội), cho biết Điều 32 BLDS 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
“Nhưng, khoản 2 Điều 32 cũng quy định việc sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng thì không cần sự đồng ý của họ (đương sự liên quan - PV)”, LS Hưng nói.
Từ đó, theo LS Hưng, HĐXX nhân danh nhà nước xét xử một vụ án tức là vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Báo chí tham dự phiên toà là để phản ánh khách quan vụ án, đưa hình ảnh khách quan về các bị cáo, phiên tòa. Đồng thời, phiên tòa hình sự phải áp dụng các quy định tại BLTTHS, Bộ luật Hình sự nên tất cả phải chịu sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Khi chủ tọa cho phép thì báo chí vẫn tác nghiệp bình thường”, LS Hưng ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.