Được đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm giao thông?

02/04/2023 07:05 GMT+7

Kho bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông tại TP.HCM đang quá tải. Để góp phần giải tỏa áp lực căng thẳng này, nhiều ý kiến cho rằng người vi phạm giao thông có thể đặt tiền bảo lãnh mang xe về tự giữ…

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐÃ CÓ

Hôm 28.3, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM có buổi giám sát tại Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) - Công an TP.HCM về công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Tại buổi giám sát, thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó phòng PC08, cho biết các kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính do đơn vị này quản lý hiện đang quá tải. TP.HCM mỗi ngày có khoảng 500 phương tiện vi phạm giao thông bị CSGT tạm giữ. Riêng PC08 tạm giữ 200 xe/ngày và đang tạm giữ, tịch thu hơn 31.000 xe.

Được đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm giao thông ? - Ảnh 1.

Kho tang vật của PC08 Công an TP.HCM ở xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh

ĐẶNG VĂN

Theo thượng tá Quới, công tác quản lý, bảo quản xe tang vật vi phạm của người dân tại đơn vị này gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình như, việc đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện chưa có hướng dẫn về hóa đơn chứng từ khi người vi phạm đặt tiền, hướng xử lý đối với số tiền này, quy định xử lý trong trường hợp người vi phạm tiếp tục sử dụng phương tiện tham gia giao thông...

Ngược lại, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Sở Tư pháp TP.HCM), lại cho rằng, tại điều 15 Nghị định 138/2021/NĐ-CP (quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính), có quy định về trình tự thủ tục, phương thức để cơ quan chức năng thực hiện việc nhận tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm của người dân.

"Theo hướng dẫn, chúng ta lập biên bản nội dung vụ việc, trong biên bản đó cũng có ghi rõ nội dung, số tiền người dân bảo lãnh thế nào, trách nhiệm cơ quan chức năng giữ số tiền đó ra sao", bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, nếu người vi phạm chọn phương thức tự bảo quản phương tiện của mình, mà không chấp hành quyết định xử phạt hành chính, thì luật cho phép cơ quan chức năng khấu trừ luôn số tiền mà người dân không chấp hành.

"Thế nên, cũng rất mong PC08 triển khai theo hướng dẫn tại điều 15 Nghị định 138. Trong quá trình thực hiện còn khó khăn, vướng mắc nào thì PC08 tiếp tục đề xuất, kiến nghị để tìm giải pháp tháo gỡ", bà Liên nêu.

Thượng tá Quới thông tin thêm: "Chưa có người dân nào đề nghị chúng tôi cho họ bảo lãnh nhận xe vi phạm về bảo quản".

MỨC TIỀN BẢO LÃNH QUÁ CAO

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, tại khoản 8, điều 125 luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 7 ngày làm việc. Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc...

Theo Cục CSGT (C08) Bộ Công an, Nghị định 138/2021 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giam giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Theo đó, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được tự giữ, bảo quản phương tiện vi phạm để tránh hư hỏng.

Tuy nhiên, phương tiện vi phạm trong thời gian được giao cho tổ chức, cá nhân giữ, bảo quản sẽ không được phép lưu hành, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sẽ bị tạm giữ cho đến khi thi hành quyết định xử phạt.

Trần Cường

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan nhưng không quá 1 tháng.

Đối với vụ việc thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, thì thời hạn tạm giữ có thể tiếp tục kéo dài nhưng không quá 2 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

PGS-TS Diệp khẳng định, Nghị định 138 quy định khá rõ về toàn bộ cách thức xử lý, bao gồm luôn cả việc nộp tiền bảo lãnh để được tự mình bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, đối với quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện để tự bảo quản không phải là điều mới mẻ, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Thụy Điển, Hà Lan, Đức... Việc đặt tiền bảo lãnh là biện pháp hữu hiệu góp phần giải quyết các yếu tố như: kho bãi, nhân sự bảo quản, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, hư hỏng tài sản...

"Đối chiếu với các quy định hiện nay về đặt tiền bảo lãnh phương tiện để tự bảo quản là khá đầy đủ, chặt chẽ. Theo tôi, các đơn vị có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có khả năng đặt tiền bảo lãnh phương tiện để cho họ tự bảo quản", luật sư Trạch nói.

Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung, theo điều 14 Nghị định 138, trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm thì người vi phạm tuyệt đối "không được đưa phương tiện vào tham gia giao thông". Nếu vi phạm thì người có thẩm quyền tạm giữ xem xét quyết định đưa phương tiện về nơi tạm giữ của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, nguyên nhân của việc đặt tiền bảo lãnh không được áp dụng nhiều trên thực tế là vì hai lý do chính.

Thứ nhất, khoản 3 điều 15 Nghị định số 138 quy định, mức tiền bảo lãnh là mức tối đa của khung hình phạt vi phạm. Nhiều chiếc xe máy có giá trị thấp, nên người dân đợi đến hết thời hạn tạm giữ để lấy xe về, hoặc chấp nhận bỏ xe nhằm không chấp hành mức xử phạt.

Trong một số trường hợp bị xử phạt tại mức thấp nhất, nhưng khi bảo lãnh lại phải đặt tiền ở mức tối đa. Do đó, người vi phạm cũng không lựa chọn thực hiện biện pháp này mà sẽ chấp hành nộp đúng mức tiền phạt và đợi cho đến hết thời hạn tạm giữ để nhận phương tiện về.

Thứ hai, trên thực tế người dân khi bị xử phạt, lập biên bản không được thông tin về biện pháp đặt tiền bảo lãnh mà chỉ được báo về mức phạt và thời hạn nhận xe.

"Cơ quan chức năng cần thông tin cho người vi phạm biết biện pháp đặt tiền bảo lãnh. Đặc biệt là cần xem xét chỉnh sửa về mức tiền bảo lãnh. Có như vậy mới giảm được tình trạng kho bãi tạm giữ bị quá tải. Bởi nếu cứ áp dụng mức tối đa cho mọi trường hợp thì chắc chắn nhiều người không có khả năng nộp tiền bảo lãnh", luật sư Hậu đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.