Thủ tướng: Không yêu cầu giấy xác nhận cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính

Mai Hà
Mai Hà
25/02/2023 15:32 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo không được yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính.

Sáng 25.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thủ tướng: Không yêu cầu Giấy xác nhận tình trạng cư trú khi giải quyết thủ tục - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

NHẬT BẮC

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện, nhấn mạnh vào chủ đề "Năm quốc gia về dữ liệu số" (hoàn thành trong quý 1/2023).  

Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng.

Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, đặc biệt là tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và có chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao; hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hoàn thiện ứng dụng thẻ thông hành di chuyển nội địa

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đẩy mạnh xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu đăng ký thuế; nghiên cứu triển khai sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử, gắn định danh điện tử với mã số thuế.

Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng như thẻ thông hành di chuyển nội địa (VNeID), phấn đấu đến tháng 6 tới cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. 

Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nghiên cứu và có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với thông tin xấu độc, sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước; làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao, giải quyết tình trạng SIM rác.

Thủ tướng: Không yêu cầu Giấy xác nhận tình trạng cư trú khi giải quyết thủ tục - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, tạo lập dữ liệu đã khó, duy trì nuôi sống dữ liệu còn khó hơn nhiều

NHẬT BẮC

Cơ sở dữ liệu dân cư phải "đúng, đủ, sạch, sống"

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, từ việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, chúng ta cũng cần thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng các cơ sở dữ liệu, theo đó tạo lập dữ liệu phải gắn với duy trì, nuôi sống dữ liệu (tạo lập dữ liệu đã khó, duy trì nuôi sống dữ liệu còn khó hơn nhiều). 

Với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện và bảo đảm cập nhật "đúng, đủ, sạch, sống" thường xuyên từ cơ sở, Bộ Công an luôn sẵn sàng hỗ trợ các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng, tạo lập dữ liệu, qua đó vừa tận dụng những dữ liệu đã có để tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm đồng bộ, thống nhất phục vụ chuyển đổi số quốc gia, mang lại tiện ích cho người dân và xã hội.

Việc tạo lập dữ liệu phải đi liền với bảo vệ dữ liệu. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo ông Tô Lâm, qua kiểm tra hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương cho thấy còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng bảo mật cần khắc phục. 

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến thống nhất để Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; đồng thời mong muốn trong tháng 2, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành để triển khai thực hiện đồng bộ.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.