Mong sớm 'quét sạch' sim rác

20/12/2022 06:09 GMT+7

Tình trạng sim rác, tin nhắn - cuộc gọi rác vẫn đang tồn tại, liên tục gây phiền hà, bức xúc cho người dân. Bạn đọc đề xuất nhiều giải pháp với mong mỏi sớm quét sạch các loại “rác” này.

Thực tế, hiện nay người dùng có thể dễ dàng mua sim rác. Dạng sim này đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Sim rác có mặt từ cửa hàng điện thoại đến tiệm tạp hóa, dù theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; mua bán, trao đổi hoặc sử dụng sim đa năng, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao… bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền.

Sim không chính chủ muốn mua bao nhiêu cũng có

Đình Huy

Tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ TT-TT ngày 18.12, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết trong năm 2023 Bộ TT-TT sẽ giải quyết triệt để sim rác. Bộ TT-TT đề xuất 3 giai đoạn để xử lý sim rác. Giai đoạn 1: Tất cả các thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ bị xóa khỏi hệ thống. Giai đoạn 2: Các nhà mạng đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm tra tính chính xác của thông tin thuê bao, hiện đã được 25% lượng thuê bao. Giai đoạn 3: Xử lý sim chính chủ, do hiện có đến 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 sim, 261 cá nhân sở hữu hơn 1.000 sim.

Đủ kiểu “rác” tấn công người dùng

Vấn nạn sim rác đã được nhận diện, mổ xẻ nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng. Bạn đọc (BĐ) Dương Văn Tuấn nêu câu hỏi: “Thử hỏi hiện nay còn bao nhiêu sim vô chủ đang hoạt động, chưa kể sim đăng ký “ma”? Theo thống kê mà Báo Thanh Niên dẫn, tính đến cuối tháng 3.2022 còn khoảng 30.000 sim thuê bao di động có thông tin đăng ký không chính xác. Tại sao? Lỡ phát ra cho các đại lý, thu tiền rồi nên khó thu hồi?”. Trong khi đó, BĐ Trần Phương đặt vấn đề trước thực tế thống kê một người sở hữu cả trăm, cả nghìn sim: “Con số mà Bộ TT-TT công bố, với gần 300 người mỗi người sở hữu cả nghìn sim, cùng 5.710 người mỗi người sở hữu hơn 100 sim, liệu có đầy đủ chưa? Ngoài cửa hàng điện thoại, người ta bán cả hộp sim kích hoạt sẵn, nhiều sim trong đó dùng chung một tên người”.

Sim rác sinh ra cuộc gọi rác, như BĐ Quốc Thanh cho biết: “Tôi dùng mạng Vinaphone đã hơn 10 năm rồi, thường bị gọi điện đòi nợ, mặc dù không vay tiền của ai. Rồi bị gọi chào mời tham gia thị trường chứng khoán, cảnh báo có giấy phạt nguội giao thông, nhận khuyến mãi... mà mục đích cuối cùng là chuyển tiền vào một tài khoản nào đó. Rất phiền hà”. BĐ Trinh Cuong cũng gặp tình cảnh tương tự, mong mỏi “dẹp để được yên thân”: “Một ngày bị gọi 5 lần, cả lúc nghỉ trưa... Làm sao mà họ biết số điện thoại của mình để chào hàng, tư vấn, thậm chí nêu “điều kiện” về đất nền, nhà liên kế, chứng khoán, bảo hiểm, hàng hóa. Tại sao tình trạng này tồn tại quá lâu và gây quá nhiều phiền toái, hệ quả xấu, mà vẫn cứ như thách thức các cơ quan chức năng? Rất mong triệt tiêu được vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác này càng sớm càng tốt”.

Tịch thu, vô hiệu sim “lậu”

BĐ cho rằng cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn, với những biện pháp xử lý sim rác như cập nhật lại thông tin, chặn, khóa, hủy các trường hợp không tuân thủ… “Cứ số nào không có định danh, hồ sơ đầy đủ thì cắt sóng, vô hiệu hóa sim ngay!”, BĐ Hai Khanh Nguyen quyết liệt. Cùng quan điểm, BĐ havinhnam phân tích: “Trong việc kiểm soát sim rác, thì mỗi số điện thoại có một chủ thể. Cần quy ra chủ thể chịu trách nhiệm một phần và công ty quản lý số chịu trách nhiệm một phần trong việc nhắn tin rác, gọi điện rác mà xử phạt”.

Rác của người này nhưng là tiền của người khác. Chỉ cần nắm cho được cái anh coi rác là tiền đó thôi. Nói đâu xa, ngay cả nhà mạng cũng nhắn tin rác cả ngày nữa là.

Vietroad

Cách để chúng ta cùng chung tay chặn cuộc gọi rác là cứ để chuông reo hoặc nói dông dài, hẹn hò để chúng mất thời gian. Công việc sẽ kém hiệu quả khi mọi người đều gây mất thời gian như vậy. Tự nhiên sim rác sẽ hết.

Xuan

Nêu ý kiến bổ sung, BĐ Nói Thẳng cho rằng: “Căn cứ theo số sim rác, của nhà mạng nào thì phạt nhà mạng đó, phạt nặng trên từng sim, thử xem nhà mạng có còn để sim rác không. Cá nhân, doanh nghiệp không thể làm ra cái sim mà sim là từ các nhà mạng cung cấp ra, vậy mà sao bao nhiêu năm nay không thể quản lý được?”. Ở góc độ khác, BĐ Minh Tuấn đề nghị: “Các ngành chức năng cần mở chiến dịch truy quét, tịch thu toàn bộ sim điện thoại kinh doanh sử dụng không qua đăng ký bày bán bừa bãi tại các cửa hàng. Làm liên tục và kiên quyết, may ra mới có thể dẹp được nạn sim rác, cuộc gọi, tin nhắn rác”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.