Đã nhiều tháng kể từ khi Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của các Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Lao động, Thương binh và Xã hội được ban hành, quy định thủ tục miễn giảm học phí cho sinh viên thuộc diện chính sách, nhiều sinh viên vẫn chưa nhận lại được số tiền hoàn bù học phí của mình khi họ phải “đi đường vòng” cùng nhiều giấy tờ, thủ tục và thời gian chờ đợi.
Các văn bản nói trên quy định, hướng dẫn về việc thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên trong diện chính sách. Theo đó, sinh viên trong diện chính sách phải nộp đủ học phí, sau đó viết đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí, lấy xác nhận của nhà trường rồi về địa phương nhận tiền cấp bù. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện việc cấp bù học phí bằng tiền mặt.
Quy định là vậy, nhưng quá trình thực hiện không dễ dàng. Trao đổi với phóng viên, Hà Thị Ngân, sinh viên năm 3, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), là người dân tộc vùng cao Thanh Hóa, thuộc diện được miễn giảm học phí, cho biết: “Nhận được thông báo nộp học phí, giải thích mãi bố mẹ mới cho tiền, lấy được xác nhận của nhà trường gửi về, bố mình cầm giấy lên xã, huyện hỏi thì xã, huyện nói đều chưa biết quy định mới nào về việc trả bù học phí”.
Cũng là sinh viên năm 3 trường trên, Lê Nho Việt, quê ở Bắc Ninh là con thương binh, thuộc diện được miễn học phí kể: “Tháng 4 vừa rồi mới được huyện thông báo nộp giấy xác nhận nhưng đến nay vẫn chưa lấy được tiền về”.
Không chỉ sinh viên thấp thỏm chờ và nộp học phí, những phụ huynh ở “hậu phương” cũng tất bật không kém. Trao đổi với Thanh Niên, bà Bùi Thị Xuân, ở Trại Nấm, xã Đồng Tiến, H.Yên Thế, Bắc Giang, là mẹ của Trần Thu Trang, sinh viên năm 3 ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng thuộc diện chính sách, nói: “Chúng tôi làm nghề nông, nuôi được con đi học đại học đã là cố gắng lắm, thế mà giờ còn phải chạy đi chạy lại để được nhận tiền hoàn bù học phí miễn giảm. Mãi tuần trước xã mới thông báo nộp giấy xác nhận, chưa biết khi nào mới lĩnh được tiền mà đã lại sắp phải đóng học phí kỳ tới cho cháu”.
Cũng tại Yên Thế, chúng tôi được ông Vũ Quang Đa, Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: “Vì đây là lần đầu tiên thực hiện theo quy định mới nên chúng tôi phải chờ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn mới làm được, việc này lại liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên không thể nhanh được”.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Vũ, Phó trưởng phòng Công tác chính trị, học sinh, sinh viên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Nghị định 49 có nhiều ưu điểm khi giúp cho các nhà trường có thêm kinh phí đào tạo bằng cách thu học phí từ sinh viên, còn các em sẽ được hưởng chính sách ở địa phương”.
Theo một chuyên gia trong ngành giáo dục, việc chuyển các thủ tục hỗ trợ, ưu đãi về địa phương như nghị định và thông tư nói trên là hợp lý và đúng tuyến, tuy nhiên việc thực hiện có thể chưa trôi chảy trong giai đoạn đầu. “Tin rằng trong thời gian tới, các em sinh viên diện chính sách và gia đình sẽ dễ dàng hơn, một khi các cơ quan chức năng địa phương đã quen việc”, chuyên gia này nói.
Trang Trần
Bình luận (0)