Vòng đối thoại gần đây nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc kết thúc mà không đưa lại tiến triển đáng kể nào.
Đại diện 2 miền Triều Tiên bắt tay trước khi hội đàm ở KCN Kaesong, Triều Tiên ngày 11.12.2015 - Ảnh: Reuters |
Nhưng cả dân chúng ở hai nước lẫn thiên hạ ở bên ngoài không nên vì thế mà thất vọng hay bi quan. Sau tất cả những gì đã xảy ra và đặc biệt là tính thất thường trong diễn biến của cặp quan hệ song phương này thì chỉ việc hai bên ngồi lại nói chuyện đã là bước tiến rất tích cực và đầy ý nghĩa. Như thế có nghĩa là vẫn đạt được cái gì đấy và dẫu chỉ được có ít thì vẫn hơn không đạt được chút gì.
Hai nước này từ trước tới nay, hiện tại và rồi đây cả trong tương lai vẫn như vậy. Mọi diễn biến đều xảy ra rất nhanh, kể cả chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Hai bên không chỉ chấp nhận chung sống với tính thất thường nói trên mà trên thực tế còn công cụ hóa nó tùy theo bối cảnh tình hình cụ thể. Hai bên còn găng với nhau, còn dọa chiến tranh, còn khẩu chiến và tâm lý chiến bởi vẫn còn coi nhau là mối đe dọa và bởi cặp quan hệ này căng hay dịu, hợp tác hay đối địch còn phụ thuộc cả vào mức độ quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ.
Nhưng cả hai đều ý thức được rằng nếu không duy trì kênh tiếp xúc và đối thoại song phương thì cả hai sẽ đều bị áp đặt giải pháp từ bên ngoài. Muốn giữ vai trò then chốt đối với triển vọng tình hình chính trị an ninh trên bán đảo và trong khu vực thì họ luôn phải duy trì dư địa cho việc đi vào hòa giải và bình thường hóa quan hệ. Cho nên đến nay giữa họ mới chỉ có những thỏa thuận nhỏ giọt và cầm chừng, không định kỳ nhưng vẫn có, không thường xuyên nhưng cũng không phải không có.
Bình luận (0)