Được nới 'vòng kim cô' với vũ khí phương Tây, Ukraine tìm cách chặn bom lượn Nga

Được nới 'vòng kim cô' với vũ khí phương Tây, Ukraine tìm cách chặn bom lượn Nga

07/06/2024 08:34 GMT+7

Một số quốc gia đã cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga, giúp Kyiv có thêm phương án đối phó với chiến thuật tập kích từ xa bằng bom lượn của Moscow.

Cuộc tấn công của Nga vào vùng Kharkiv ở miền bắc Ukraine dường như đã phản tác dụng khi các nước phương Tây bắt đầu thay đổi lập trường, cho phép lực lượng Kyiv sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga gần biên giới.

Dù Washington chưa cho phép Kyiv dùng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS đánh đất Nga, cũng như giới hạn phạm vi tấn công xung quanh Kharkiv, đây vẫn là bước tiến quan trọng giúp Ukraine phòng thủ miền bắc.

Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) hôm 2.6 nhận định việc cung cấp các hệ thống phòng không của phương Tây và quyết định dỡ bỏ các hạn chế có thể tạo điều kiện để Ukraine đẩy lùi các đợt tập kích bằng tên lửa và bom lượn của Nga vào thành phố Kharkiv.

Được nới 'vòng kim cô' với vũ khí phương Tây, Ukraine tìm cách chặn bom lượn Nga- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa về phía vị trí của Nga ở Kharkiv

REUTERS

Nhóm nghiên cứu nói khả năng Ukraine bắn hạ chiến đấu cơ của Moscow ở tiền tuyến trong những trận đánh trước đây cho thấy Kyiv có khả năng bảo vệ Kharkiv và đáp trả chiến thuật bom lượn của Nga.

Bom lượn là mối đe dọa lớn đối với lực lượng Ukraine, đặc biệt là trong những tháng gần đây khi Nga tấn công vùng Kharkiv. Máy bay của Nga có thể thả bom từ trong không phận Nga, và Ukraine chưa có cách bắn hạ bom lượn.

Cách duy nhất để ngăn bị ném bom là đánh chặn máy bay Nga. Giờ đây, khi được phép tấn công vào lãnh thổ Nga cũng như nhận nhiều vũ khí mới, Kyiv giờ đây có thêm nguồn lực và phạm vi hoạt động để đối phó với mối đe dọa.

Ông Matthew Savill, Giám đốc khoa học quân sự tại Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, nhận định: “Lý tưởng nhất là ngăn máy bay xuất kích, song để dự phòng, một hệ thống tên lửa đối không (SAM) như Patriot có thể được đặt gần tiền tuyến hơn để bắn hạ chiến đấu cơ trước khi thả bom”.

Ông cho rằng việc phục kích bằng SAM có thể mang đến thách thức lớn cho không quân Nga. Song ở chiều ngược lại, làm như vậy có thể đặt hệ thống phòng không trước nguy cơ bị phản đòn.

Ông Savill nói những thay đổi chính sách mới đây của phương Tây chưa hẳn là giải pháp hoàn hảo và việc cho Ukraine mở rộng phạm vi tấn công là không đủ để kết thúc cuộc chiến. Bản thân Mỹ cũng đã hạn chế về loại vũ khí và phạm vi Ukraine được tấn công lãnh thổ Nga.

Các quan chức Mỹ lưu ý rằng Washington vẫn có thể thay đổi chính sách, song điều đó phụ thuộc vào tình hình chiến trường.

Phát biểu tại Praha, Cộng hòa Czech ngày 31.5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine là “thích ứng và điều chỉnh khi cần thiết để đáp ứng những gì đang diễn ra trên chiến trường, đảm bảo Ukraine có những gì họ cần đúng thời điểm”, với ví dụ thực tế là phản ứng của Washington trước tình hình tại Kharkiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.