Tổng thống Putin mới đây đã ca ngợi hiệu quả trong chiến đấu của hai loại máy bay không người lái (UAV) tấn công Lancet và Cube do công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất.
Ông Putin cũng kêu gọi tập đoàn quốc phòng Rostec cần đẩy mạnh sản xuất loại vũ khí này nhiều hơn nữa.
Ông tuyên bố: "Cả hai loại máy bay không người lái Cube và Lancet đều cho thấy hiệu quả rất tốt: trước nhất là có sức phá hủy mạnh mẽ, vì vậy mọi thiết bị, kể cả các loại do nước ngoài sản xuất, không chỉ bốc cháy mà còn gây nổ số đạn dược mang theo. Phía nhà sản xuất đã cam kết đẩy mạnh sản xuất. Lời hứa này vẫn đang được thực hiện, nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế nữa".
Cube và Lancet là hai loại UAV tự sát, hay còn gọi là đạn tuần kích, do tập đoàn Zala Aero của Nga phát triển. Trong đó, Lancet hiện được lực lượng Nga sử dụng rộng rãi, gây nhiều tổn thất cho phía Ukraine
Theo báo cáo tổng hợp của Lostarmour, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga, kể từ khi được triển khai trong chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 7.2022 cho đến ngày 8.8 Lancet đã tấn công 531 trang thiết bị quân sự.
Trong số này, 176 mục tiêu bị phá hủy tại chỗ và 282 vũ khí bị hư hại nặng. Lancet đánh trượt mục tiêu trong 28 vụ và 40 cuộc tập kích chưa thể xác định kết quả.
Hơn một nửa số mục tiêu của Lancet là các tổ hợp pháo, gồm 113 pháo tự hành, 131 lựu pháo và cối, cùng 18 pháo phản lực phóng loạt. Mục tiêu ưu tiên thứ hai của Lancet là các hệ thống phòng không Ukraine, gồm 41 tổ hợp phòng không các loại và 43 radar, đài liên lạc. 67 xe tăng chủ lực cũng bị Lancet phá hủy hoặc làm hư hại.
Ra mắt năm 2019. UAV Lancet có khả năng hoạt động độc lập, không cần hỗ trợ từ các hệ thống điều khiển mặt đất. Biến thể Lancet đầu tiên có tầm hoạt động 40 km và mang đầu đạn nặng 3 kg. Mẫu Lancet nâng cấp sau đó có tầm bay lớn hơn và đầu nổ 5 kg.
Hồi giữa tháng 7, kênh truyền hình Rossiya 1 dẫn lời tổng công trình sư Alexander Zakharo của hãng Zala Aero cho biết dòng Lancet thế hệ tiếp theo đang được phát triển, với thuật toán lựa chọn mục tiêu và năng lực phối hợp tác chiến với học thuyết tấn công hiệp đồng bằng bầy UAV.
Theo đó, người vận hành có thể khoanh vùng hoạt động và đặt mục tiêu ưu tiên cho bầy UAV tấn công. Toàn bộ quá trình tìm kiếm và lựa chọn mục tiêu tập kích sẽ diễn ra hoàn toàn tự động. Khi một UAV phát hiện mục tiêu, dữ liệu sẽ được chia sẻ cho cả bầy. Mỗi chiếc Lancet sẽ được phân bổ mục tiêu cụ thể, tùy theo loại đầu đạn được trang bị như nổ mảnh hoặc xuyên phá.
Bình luận (0)