Tôi đã nhiều lần thăm Bảo tàng Hoàng đế Quang Trung, nhưng mới lần đầu được biết và đảnh lễ ở Đàn tế trời đất. Từ bảo tàng qua núi Ấn không xa, và con đường đang chuẩn bị được mở rộng để đón khách hành hương sau khi dâng lễ cảm tạ trời đất sẽ về thẳng bảo tàng, chiêm nghiệm một thời kỳ lịch sử hào hùng oanh liệt của dân tộc Việt sống lại dưới từng hiện vật, qua từng bước đi.
Trên đường tới Đàn tế trời đất, tôi đã để ý cảnh quan phong thủy của vùng Hoành Sơn, nơi tương truyền ba anh em Nguyễn Nhạc đã làm chủ được long huyệt, để từ đó khởi phát cả văn tài lẫn võ nghiệp. Đúng là dãy Hoành Sơn ở đây trông kỳ bí thật, dù tính về độ cao thì chưa hẳn đã hơn nhiều dãy núi khác ở Trường Sơn. Núi ở đây như tìm về đồng bằng, cứ quanh quất giữa những cánh đồng như muốn đánh bạn với dân lành trong xóm mạc, như muốn nói điều gì đó với con người. Cũng là núi, mà tự nhiên thấy gần gũi, thân thiện, nhẹ nhàng.
Trước khi nhận được khí thiêng của Trời Đất, chắc hẳn ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã nhận được khí phách, lòng thương dân, yêu mẹ của chàng Lía - người anh hùng dân dã nổi tiếng vì miếng võ “cá lóc vọt nhảy”. Người Bình Định trọng nghĩa khí, lại biết “kính Trời, thờ Đất”, nên một người anh hùng lý tưởng trong mắt họ phải là người thương dân, có hiếu với cha mẹ, lại biết ngước lên thấy Trời và cúi mình gặp Đất. Đàn tế trời đất có thể bắt đầu từ những truyền thoại, nhưng tôi nghĩ, nó khởi nguồn sâu xa hơn cả lý do anh em Nguyễn Nhạc công khai hóa sứ mệnh “được Trời chọn”. Cần “danh chính ngôn thuận” cho một cuộc khởi binh, nhưng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thành công là vì, trên thuận lòng Trời (thuận Thiên), dưới hợp lòng Dân (hợp Nhân). Đàn tế trên núi Ấn là minh chứng cụ thể cho sự thuận Thiên và hợp Nhân đó.
Khi chúng tôi lặng lẽ thắp và cắm hương vào một bát hương hình bông sen trên đàn tế, đột nhiên như có một làn gió mát lâng lâng khắp châu thân. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói khẽ: “Có lẽ lời nguyện cầu của chúng mình đã ứng”. Nhưng chúng tôi đã nguyện cầu những gì khi đứng trước đàn tế? Lời nguyện cầu thành kính ấy thế này:
“Nếu nước Việt gặp cơn nguy biến, cúi xin Trời Đất lại giúp cho nước Việt một người anh hùng như Quang Trung Nguyễn Huệ”.
Với nước Việt mình, có lẽ “hào kiệt thời nào cũng có”, nhưng để có một người như Quang Trung Nguyễn Huệ, thật không dễ dàng gì! Đàn tế trời đất sẽ thật sự có ý nghĩa khi mỗi người dân Việt tới đây đảnh lễ đều cầu nguyện cho quốc thái dân an, và nếu nước nhà gặp cơn nguy biến, thì cầu xin Trời Đất lại cho xuất hiện một người anh hùng cứu dân cứu nước như Quang Trung Nguyễn Huệ. Dẫu biết, với một thiên tài như Nguyễn Huệ, thì sự xuất hiện ấy là nghìn năm có một.
Tôi nghĩ, sau khi khánh thành Đàn tế trời đất trên ngọn Ấn Sơn, để hợp cùng Bảo tàng Hoàng đế Quang Trung thành một “cung Hoàng Đạo”, vùng đất địa linh nhân kiệt ở đây sẽ được “phủ sóng” bởi lòng yêu nước, niềm tự hào của hàng triệu con dân Việt hành hương về viếng. Làm sao để lòng yêu nước thương dân, nghĩa khí, sự bất khuất, tài thao lược của Quang Trung Nguyễn Huệ như dòng nước quý từ lòng giếng cây Me ở Bảo tàng Tây Sơn tiếp tục được lưu chuyển mát lành trong châu thân mỗi người Việt giữa cuộc sống hằng ngày. Và nhất là khi Tổ quốc phải đối đầu với những âm mưu, sự ngông ngược của kẻ thù, nó sẽ bùng lên thành một nguồn sức mạnh vô song.
Thanh Thảo
Bình luận (0)