Quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc buộc học sinh thôi học một tuần nếu tái diễn vi phạm giao thông đã vấp phải những phản ứng của dân mạng.
Không nên lấy hành vi vi phạm giao thông để khiến học sinh bị ảnh hưởng đến kết quả và quá trình học tập - Ảnh: Ngọc Thắng |
Cụ thể, Văn bản 932 của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, nêu: “Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe”.
Trên Facebook, hàng loạt fanpage tổ chức khảo sát: “Bạn đánh giá thế nào về quy định buộc thôi học nếu học sinh (HS) tái diễn vi phạm giao thông của Sở GD-ĐT Hà Nội?”, phần lớn ý kiến đều không đồng ý. Đa số bình luận cho rằng: “Quá nghiêm khắc”, “Không đồng ý với cách làm này, kỷ luật như thế là quá nặng”, “Buộc thôi học là cách làm chưa chuẩn, không có tác dụng làm thay đổi ý thức, hành vi tham gia giao thông của HS”…
Thành viên Lê Anh viết: “Cần phải đưa ra hình thức xử phạt khác, phải hợp tình và hợp lý. Chứ tạm dừng việc học tập của HS sẽ khiến các em khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức, ảnh hưởng đến quá trình học tập”.
Tương tự, thành viên Diem My Tran bình luận: “Biện pháp này vừa quá mạnh tay lại vừa phản giáo dục. Tại sao vi phạm giao thông mà bắt buộc nghỉ học? Và liệu rằng khi bị đình chỉ học tập thì HS có ý thức hơn trong việc chấp hành luật giao thông hay không? Chưa kể nhiều HS sẽ lợi dụng điều này để “hợp thức hóa” việc nghỉ học thì sao?”.
Cũng có một số ý kiến trên diễn đàn truongton.net cho rằng: “Cần phải có biện pháp mạnh như vậy thì mới có thể giúp HS ý thức tốt hơn về ATGT. Chứ phát hiện sai phạm, kiểm điểm, xử lý qua loa thì HS lại tái phạm”.
Bên cạnh tranh cãi, trên các trang mạng xã hội, các thành viên cũng “hiến kế” cách xử phạt hợp lý. “Thay vì buộc thôi học một tuần thì vẫn cho HS đi học. Nhưng yêu cầu các em tham gia các lớp học về ATGT. Đồng thời yêu cầu phụ huynh, giám thị, giáo viên chủ nhiệm cùng phối hợp để chỉnh đốn, nhắc nhở và nâng cao ý thức của HS”…
Trả lời Thanh Niên, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, cho rằng cách xử lý kỷ luật là chưa thực sự phù hợp. “Bởi nhà trường đẩy HS ra khỏi môi trường giáo dục như thế là chứng minh sự bất lực trong giáo dục. Không thể lấy hành vi vi phạm giao thông (hoạt động xã hội) để khiến HS đó bị ảnh hưởng đến kết quả và quá trình học tập (hoạt động giáo dục). Rồi chẳng may kết quả học tập của HS kém hơn, yếu đi thì ai chịu trách nhiệm? Bên cạnh đó, nếu quy định này được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt những hành vi vi phạm thuộc những lĩnh vực khác cũng có thể buộc HS dừng học”, ông An lý giải.
Theo ông An, biện pháp xử lý phù hợp là cần phải đánh giá bản chất sự việc. “Bằng cách trò chuyện với HS, để các em tự nhận thức được hành vi ấy là sai, là không chuẩn mực, và nhận lỗi. Hãy để HS đó tự đề xuất biện pháp tự khắc phục, sửa đổi. Trao cho HS cơ hội để sửa chữa sai lầm. Cần tìm hiểu nguyên nhân đa chiều, lý do vì sao các em lại vi phạm luật giao thông... Tìm hết mọi nguyên nhân dẫn đến sự việc và giải quyết từ gốc của vấn đề. Và khi thông qua những hình thức tuyên truyền đánh vào nhận thức lẫn tình cảm của các em thì hành vi đúng đắn sẽ được xác lập”, ông An nói.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đồng tình khi HS nhiều lần tái phạm thì nhà trường cũng cần có những biện pháp mạnh tay. Tuy nhiên, mạnh tay không có nghĩa là tạm đình chỉ học tập HS. “Bởi nhiệm vụ chính của HS là học tập và nhà trường cần giúp đỡ việc học cho các em. Trong tình huống này, ngưng việc học của HS là không nên”, ông Ngai phân tích và cho rằng để đảm bảo việc học tập cho HS thì trường nên tổ chức những tiết học trái buổi về luật ATGT cho các em. Nhưng đó cũng chỉ là biện pháp cấp thời, quan trọng là phải có cách để HS tự ý thức và điều chỉnh hành vi thì mới bền vững được.
|
Bình luận
* “Nhà trường cần chú ý hơn, quan tâm hơn những tiết dạy về luật An toàn giao thông”. (Vo Lan Phuong/Facebook)
* “Ơ hay, tại sao vi phạm luật giao thông mà bị phạt theo hình thức kỷ luật về học tập nhỉ? Họ có vi phạm trong học tập đâu? Thấy có sự tréo ngoe, kỳ kỳ trong văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội”. (Dũng Phạm/Facebook)
* “Người lớn cần làm gương cho trẻ. Không thể phủ nhận việc học sinh vi phạm là bắt đầu từ người lớn. Nhiều phụ huynh vẫn có thói quen vượt đèn đỏ, không đội nón bảo hiểm, không chấp hành luật giao thông tốt đã phần nào khiến con em bắt chước”. (Anh Tú/Facebook)
|
Bình luận (0)