Tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh do Bệnh viện Nhi T.Ư phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (Chương trình Vận động chính sách y tế toàn cầu) của Mỹ xây dựng. Chủ biên là PGS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư.
Nội dung tài liệu được cập nhật các kiến thức thực hành cấp cứu nhi khoa mới nhất, trình bày dễ hiểu, dễ áp dụng, bao gồm các nội dung cấp cứu tai nạn thương tích (TNTT) thường gặp; trong quá trình biên soạn đã nhận được sự đóng góp trực tiếp của các chuyên gia tư vấn.
Trong phần Lời nói đầu, tài liệu này dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 5,8 triệu trường hợp tử vong do TNTT.
TNTT là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm 10% tổng số ca tử vong trên thế giới, nhiều hơn 32% so với số ca tử vong do sốt rét, bệnh lao và HIV/AIDS cộng lại.
Ngoài ra, hàng chục triệu trường hợp cần chăm sóc và điều trị do TNTT không chủ đích gây ra, nhiều trường hợp trong số đó bị tàn tật suốt đời. Khoảng 90% trường hợp tử vong do TNTT xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
TNTT không chỉ gây tổn thương về sức khỏe mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế đối với các quốc gia. Tại Mỹ, ước tính tổng chi phí cho TNTT trong năm 2000 là 80,2 tỉ USD. Gần một nửa số chi phí này liên quan đến TNTT do ngã và khoảng 1/5 chi phí này là do tai nạn giao thông.
Ở Việt Nam, trong những thập kỷ gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng cũng là yếu tố làm cho vấn đề TNTT ngày càng nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong, tàn tật ở trẻ em. Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Y tế, ước tính mỗi ngày có tới 3.600 trường hợp gặp TNTT, 90 người tử vong.
Trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em, cướp đi mạng sống của hơn 3.000 trẻ em mỗi năm.
Cũng giống như những nước có thu nhập thấp và trung bình khác, những yếu tố quan trọng liên quan đến khả năng xảy ra TNTT là tuổi, giới tính, môi trường nguy hiểm, tình trạng kinh tế - xã hội, yếu tố thường có mối liên hệ với nhận thức hạn chế về nguy cơ và giám sát đối với trẻ; tình trạng được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điển hình là vấn đề cấp cứu và chăm sóc trước viện.
Nhóm biên soạn hy vọng đây là tài liệu học tập không chỉ cho đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mà còn là tài liệu tham khảo của các bậc phụ huynh, học sinh và những người quan tâm.
Tài liệu được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT. Các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được khai thác, sử dụng làm tài liệu tập huấn, nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu TNTT thường gặp ở trẻ em, học sinh cho nhân viên y tế, cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục.
Bình luận (0)