Cấp bách phòng chống đuối nước: Mối đe dọa lớn nhất với trẻ em Việt Nam

Thu Hằng
Thu Hằng
24/05/2023 11:42 GMT+7

Tử vong do đuối nước là mối đe dọa lớn nhất với trẻ em tại Việt Nam. Vì vậy phòng chống đuối nước, cứu sinh mạng trẻ em cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Theo Bộ LĐ-TB-XH trong giai đoạn 2016 - 2021, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số ca tử vong do đuối nước đã giảm dần qua các năm, song đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở TE và người chưa thành niên.

Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em từ 0 -14 tuổi tại Việt Nam cao hơn so với tỷ suất tử vong ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu; thấp hơn các nước thu nhập thấp và cao gần gấp 10 lần các nước phát triển.

Đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam cao gấp 10 lần nước phát triển - Ảnh 1.

Hè đến, nhu cầu đi bơi, học bơi tăng cao

NGỌC THẮNG

Đáng chú ý, tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các ca tử vong do tai nạn, thương tích; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (76,6%), tại gia đình (22,4%) và tại trường học (1%); trong đó nhóm 0 - 4 tuổi có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất và trẻ em trai cao gấp đôi trẻ em gái. Trẻ em ở khu vực nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp 2 lần trẻ em ở khu vực thành thị và 55% TE tử vong do đuối nước thuộc các hộ gia đình nghèo ở nông thôn.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng đuối nước trẻ em có xu hướng gia tăng, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em trên toàn quốc, trong đó tập trung xảy ra nhiều vào dịp chuẩn bị kỳ nghỉ hè và những tháng hè trẻ nghỉ học.

Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trẻ em trở lại trường, bắt đầu tham gia các hoạt động vui chơi, theo gia đình đến các khu du lịch, đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, khiến nhiều trẻ em bị tử vong, có những vụ là anh chị em trong một gia đình. Cho đến nay, tử vong do đuối nước là mối đe dọa lớn nhất tới trẻ em, trực tiếp ảnh hưởng tới hạnh phúc của các gia đình cũng như sự phát triển của đất nước.

“Tiểu tiên cá” Ánh Viên chỉ cách xử trí khi gặp người đuối nước

Đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam cao gấp 10 lần nước phát triển - Ảnh 2.

Những lớp dạy bơi như bể bơi của Ánh Viên rất được quan tâm

FBNV

Lý giải về nguyên nhân tình hình tử vong do đuối nước vẫn còn cao, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, do nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế. Nhiều trường hợp tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn và của bản thân trẻ.

Bên cạnh đó, môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Nhiều nơi giếng khơi và bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng. Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm.

"Đặc biệt, trẻ em thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều trẻ em chưa biết bơi an toàn. Chính do thiếu kỹ năng nên các em không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi, không biết cách cứu đuối gián tiếp mà nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước, dẫn đến tử vong nhiều em cùng một lúc", ông Nam cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.