Một nhóm nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu mới cho thấy bên trong lòng đất sao Hỏa có khả năng chứa lượng nước ngầm cực lớn, có thể tạo ra các đại dương trên bề mặt của hành tinh này, theo CNN. Nghiên cứu được đăng trên chuyên san khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences ngày 12.8.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị đo địa chấn của tàu đổ bộ InSight của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong sứ mệnh từ năm 2018-2022. Trong 4 năm, thiết bị đã đo đạc dữ liệu địa chấn trên sao Hỏa và xác định vật chất bên dưới bề mặt của hành tinh liền kề trái đất.
Có cả một đại dương nước trong lòng sao Hỏa?
Theo nghiên cứu, có một lượng nước ngầm lớn bên dưới những vết nứt, kẽ đá ở lớp vỏ sao Hỏa. Lớp vỏ này có độ sâu từ 11,5-20 km. Nhóm nghiên cứu cho rằng lượng nước bên dưới lớn đến mức có thể bao phủ toàn bộ sao Hỏa với độ sâu đến 1,6 km.
Sau nhiều nghiên cứu, giới khoa học cho rằng sao Hỏa từng là hành tinh ấm và ẩm ướt cách đây hàng tỉ năm. Nhiều sứ mệnh đã được phát triển nhằm tìm hiểu lịch sử của nước trên hành tinh đỏ và liệu nó có từng tạo ra môi trường sống trên đó hay không.
Trong khi nước bị đóng băng tại hai đầu địa cực của hành tinh, các nhà nghiên cứu không tin rằng toàn bộ nước trên sao Hỏa đều như vậy. Nhiều giả thuyết được đưa ra về dấu vết của nguồn nước đã biến mất, và theo nghiên cứu mới, lượng nước đó đã bị rút xuống tầng vỏ dưới của hành tinh.
"Trên trái đất, điều chúng ta biết là nơi nào đủ ẩm và có đủ nguồn năng lượng, nơi đó sẽ có sự sống của vi sinh vật ở rất sâu dưới bề mặt của trái đất. Những yếu tố cho sự sống như chúng ta biết tồn tại dưới bề mặt sao Hỏa nếu những diễn giải này chính xác", nhà địa vật lý Vashan Wright tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego, một trong số tác giả nghiên cứu, cho biết.
Bình luận (0)