Mô hình trường học mới (VNEN) bắt đầu thí điểm ở TP.Hải Phòng từ năm học 2012 - 2013, tại Trường tiểu học Đằng Lâm (quận Hải An). Đến nay, toàn TP.Hải Phòng có 1.586 lớp của 128 trường tiểu học thuộc 12/15 quận, huyện tham gia dạy học theo mô hình này, với tổng số 55.833 học sinh.
Tại phiên chất vấn ngày 12.7 của kỳ họp thứ 5, HĐND TP.Hải Phòng khóa 15, các đại biểu nhận định: VNEN có nhiều ưu điểm nhưng thực tiễn chưa phù hợp để triển khai. Dạy và học theo mô hình VNEN cần bảo đảm 3 điều kiện: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và số học sinh mỗi lớp (20 - 30). Tuy nhiên, hầu hết các trường tiểu học tại TP.Hải Phòng điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu cho mô hình mới, không đủ không gian cần thiết cho học sinh học tập và hoạt động. Đội ngũ giáo viên thì bỡ ngỡ và khó khăn khi thực hiện mô hình này.
Theo khảo sát của Thanh Niên, tại TP.Hải Phòng, nhiều giáo viên tỏ ra “đuối sức” với VNEN. “Khi được phân công dạy lớp VNEN, tôi phải mất nhiều tháng để xây dựng giáo án cho phù hợp, đồng thời vẫn phải duy trì giáo án cũ cho các lớp không học VNEN. Về phía học sinh, lứa tuổi tiểu học lại chưa đủ ý thức để chủ động tiếp cận kiến thức như VNEN mong muốn, nên nhiều em đã bị tụt hậu, hổng kiến thức khá nhiều. Thầy cô đành áp dụng lại cách học cũ để giúp học sinh”, một giáo viên (đề nghị giấu tên) ở Trường tiểu học Chu Văn An, quận Ngô Quyền chia sẻ.
tin liên quan
Những đề án thí điểm giáo dục dở dangNhững đề án giáo dục thí điểm nhưng thực hiện với quy mô quá lớn, gần như triển khai đại trà kể cả ở những nơi chưa đủ điều kiện trong thời gian vừa qua đã không trả lời được mục tiêu quan trọng nhất: thí điểm để làm gì?
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Dư Hàng (quận Lê Chân), cho biết: “VNEN có nhiều ưu điểm, nhưng khi áp dụng thí điểm vào bậc tiểu học thì không phát huy được. Lứa tuổi tiểu học chưa hình thành được ý thức tự học, là điều quan trọng nhất của VNEN và giáo viên vẫn phải mất rất nhiều thời gian để theo sát. VNEN cũng đòi hỏi đội ngũ giáo viên có trình độ cao. Khi áp dụng, chúng tôi phải chọn hết giáo viên giỏi, năng động để dạy các lớp ấy. Các cô vừa dạy thí điểm, vừa dạy lớp thường, ngày nghỉ còn đến trường làm đồ dùng học VNEN, vất vả lắm nên trường tôi đã bỏ VNEN rồi”.
Các phụ huynh thì cho rằng, phương pháp mới chỉ phù hợp với số ít trẻ năng động, tính cách chủ động, trong khi học sinh tiểu học đa phần nhút nhát. Theo chị Nguyễn Phương Giang (33 tuổi, phụ huynh học sinh ở P.Sở Dầu, quận Hồng Bàng): “Việc thí điểm VNEN chỉ mới ở tiểu học, lên cấp 2 lại học phương pháp cũ, sách cũ thì có lợi ích gì?”.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 13.7, Giám đốc Sở GD - ĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường cho biết, cơ quan này đã ghi nhận ý kiến của nhiều địa phương trong thành phố về việc triển khai thí điểm VNEN, sau kỳ họp HĐND TP, Sở GD - ĐT Hải Phòng sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về kết quả triển khai VNEN tại địa phương, sau đó báo cáo UBND TP và Bộ GD - ĐT để có quyết định cuối cùng về việc triển khai đại trà hay dừng thí điểm, cũng như thời gian cụ thể để ra quyết định này.
Bình luận (0)