Dưới tấm quang năng: Miền cát nóng chuyển mình

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
02/03/2022 06:40 GMT+7

Những tấm quang năng “đổ bộ” về miền cát nóng Ninh Thuận đã không còn lạ với người dân. Chứng kiến những lợi ích nhãn tiền từ “cơn sốt” điện mặt trời, cư dân địa phương cũng không khỏi băn khoăn, liệu rằng môi trường và sinh kế của họ rồi có chịu hệ lụy nào không...

Trong chặng đường hơn 60 cây số từ sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) về Ninh Thuận, không ít lần tôi tự hỏi, Ninh Thuận còn gì ngoài những điều ta hay nói, nhất là khi vùng đất này đang định hướng mình trở thành “thủ phủ năng lượng tái tạo” của Việt Nam.

Biến chuyển

Ninh Thuận trước đây là một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam, thế nhưng năm 2020 lại là một trong 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước, nổi bật nhờ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hiện nay, tính riêng đầu tư điện mặt trời (ĐMT) quy mô lớn, tỉnh này đang có trên 30 dự án với tổng công suất tới 2,5 GWp.

Khoảng 50% lao động làm việc tại Nhà máy ĐMT SinEnergy là người Chăm

PHẠM THU NGÂN

Cùng với sự tăng trưởng này, đời sống người dân thay đổi. Chạy dọc dài QL1 phẳng lì từ TP.Phan Rang xuống xã Phước Minh (H.Thuận Nam), sẽ thấy các dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải khát... khá phát triển. Những ngôi nhà tường san sát nhau, nhiều hộ còn kinh doanh yến, từ xa đã có thể nghe tiếng chim yến léo réo trên không. Tại xã Phước Minh, khi đất nông nghiệp được quy hoạch làm năng lượng mặt trời thì làn sóng biến chuyển nhà cửa, nghề nghiệp cũng bắt đầu.

Căn nhà của ông K. (71 tuổi, ngụ xã Phước Minh) cặp QL1, “lọt thỏm” giữa những ngôi nhà hàng xóm. Là người chứng kiến cuộc đổi thay từ khi quy hoạch đất để làm dự án ĐMT, ông K. kể lại rằng việc xây dựng, thi công dự án điện đã tạo rất nhiều việc làm cho người dân. Đơn cử, giữa năm 2020, khi lắp đặt hạ tầng cho dự án ĐMT, trạm biến áp..., nơi đây có tới hàng ngàn người là cư dân địa phương hoặc vùng lân cận được chiêu mộ về làm kỹ thuật viên hay các công việc lao động phổ thông.

Song song các việc làm mới, người dân khi lấy tiền đền bù đất đã chuyển sinh kế nông nghiệp của mình sang phát triển các dịch vụ như xây nhà trọ, bán đồ ăn thức uống, đầu tư mua xe, mở công ty... Người đàn ông 71 tuổi này cũng cảm thán rằng trước đấy gia đình ông sống khá giả nhờ nguồn thu chăn nuôi bò, dê. “Nhà tôi trước đây đẹp, to nhất vùng. Sau đó, hàng xóm có tiền đền bù đất để làm ĐMT và họ xây nhà mới, to đẹp hơn nhà tôi, nâng nền nhà ngang hay cao hơn cả đường quốc lộ”, ông K. nói.

Đất đai “lận đận”

Riêng tại thôn Quán Thẻ 1 (xã Phước Minh) cũng có nhà máy ĐMT được xây dựng vào năm 2017. Bà T. (60 tuổi, cư dân tại thôn) kể rằng trước đây vùng Quán Thẻ là một nông trường bông do UBND tỉnh Thuận Hải cũ (nay là tỉnh Ninh Thuận) thành lập. Cư dân địa phương chủ yếu làm công nhân lao động ở nông trường.

Sau một thời gian làm ăn xa quê, ông Hán Lưu Thoảng trở về làm bảo vệ cho nhà máy ĐMT

Năm 1997, nông trường giải thể, các phân giới địa chính thay đổi, người dân được giao khoán đất và sử dụng đất để sản xuất nông - lâm nghiệp. Khi ấy, có nhiều gia đình chuyển đến nơi khác sống, người ở lại bám trụ làm nông như trồng bắp, mía hay chăn nuôi dê, cừu... Đến năm 1999, khoảng 2.500 ha trong tổng số khoảng 5.000 ha đất nông trường được quy hoạch làm dự án đồng muối.

Các vụ việc mâu thuẫn bồi thường đất đai có xảy ra, nhất là vì vào thời điểm quy hoạch đồng muối vẫn còn nhiều hộ chưa được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo bà T., chính là vùng này - xưa vốn được mệnh danh là “thảm xanh” của Ninh Thuận - khi thành đồng muối đã bị nhiễm “mặn nhân tạo”, đất đai không thể trồng trọt được.

Năm 2017, dự án ĐMT đến Quán Thẻ. Người dân lại một lần nữa mang nỗi ám ảnh các sự vụ liên quan “đất đai” như xác định loại đất, diện tích đất, giá hỗ trợ hay giá đền bù...

Bà T. cũng chia sẻ rằng, bên cạnh những lợi ích hiện hữu của dự án năng lượng sạch, cư dân địa phương trên thực tế có nhiều trải nghiệm “lạ hoắc”. Đặc biệt như chuyện năm 2020, nơi đây chứng kiến điều chưa có tiền lệ: Ngập lụt.

Theo bà T., vùng này vốn có địa hình gồ ghề, trước đây dù có bao nhiêu trận mưa cũng không xảy ra ngập lụt. Tuy nhiên, khi xây nhà máy ĐMT, buộc bề mặt phía dưới phải phát quang bụi rậm, san bằng đất... Vì vậy, năm 2020 sau một trận mưa 4 tiếng đồng hồ, thôn bỗng dưng bị lụt. “Nhà tôi ngập tới 60 - 70 cm. Có nhiều nhà bị ngập nặng hơn. Cơ quan chức năng phải chạy ca nô xuống cứu trợ”, bà T. kể.

Những tấm quang năng trải dài tầm mắt ở một nhà máy ĐMT tại H.Ninh Phước, Ninh Thuận

phạm thu ngân

Thúc đẩy thế hệ trẻ học về kỹ thuật

Cách xã Phước Minh hơn 20 km về phía bắc là địa phận của xã Phước Hữu, H.Ninh Phước, nơi đây có Nhà máy ĐMT SinEnergy. Việc xây dựng nhà máy này tạo cơ hội việc làm cho nhiều cư dân địa phương, nhất là đối với người Chăm.

Quản lý Nhà máy ĐMT SinEnergy cho hay diện tích nơi đây khoảng 60 ha. Nhà máy có 28 nhân viên gồm đội kỹ thuật và bảo vệ. Tất cả đều là người địa phương, trong đó người Chăm chiếm khoảng 50%. Ngoài ra, cứ 3 tháng 1 lần nhà máy sẽ tuyển lao động thời vụ làm các công việc như rửa các tấm năng lượng, cắt cỏ... Theo người quản lý này, tuyển dụng lao động địa phương là một trong những chính sách ưu tiên của đơn vị.

Ông Hán Lưu Thoảng là một trong những bảo vệ nhà máy này. Ngồi trong căn chòi gió lùa thiu thỉu, ông Thoảng trông ra những tấm quang năng bạt ngàn tầm mắt - thứ mà nhiều năm về trước, ông chưa từng biết tới. Ông Thoảng không rõ phía sau những hàng rào nhà máy, đời sống của người dân thay đổi gì đột phá, nhưng ông chắc chắn nó giúp nhiều người Chăm cải thiện kinh tế, có công ăn việc làm.

Một nhân viên khác trong kíp kỹ thuật của Nhà máy ĐMT SinEnergy, anh Đ.L.Đ.T (30 tuổi) cũng chia sẻ rằng một phần nhờ vào sự đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận mà nhiều thanh niên địa phương ngày càng có chí hướng học tập theo các ngành về kỹ thuật, cơ khí... với mong muốn làm việc và cống hiến cho tỉnh nhà. (còn tiếp)

Viện Năng lượng (Bộ Công thương) vào thời điểm tháng 3.2021 đã công bố kết quả nghiên cứu “Xây dựng tương lai công bằng ở VN bằng năng lượng mặt trời ” do Viện Năng lượng và Tổ chức Oxfam thực hiện nghiên cứu thí điểm tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bạc Liêu.

Theo đó, một nhà máy ĐMT với công suất 50 MW cần 300 công nhân lắp đặt trong khoảng từ 3 - 6 tháng (thu nhập 300.000 đồng/người/ngày); tạo ra 20 việc làm chính thức (trong đó khoảng 2 - 3 nhân viên nữ, 2 - 5 lao động là người dân tộc thiểu số); lao động thời vụ như vệ sinh quang điện, cắt cỏ, bảo vệ... Theo tính toán, năm 2030, sẽ có 7.500 người làm việc tại các nhà máy ĐMT và lên tới 22.000 người năm 2045.

Về mặt phúc lợi xã hội, khi xây dựng nhà máy ĐMT, chủ dự án cũng hỗ trợ làm đường, lắp hệ thống chiếu sáng xung quanh khu vực nhà máy; hỗ trợ trang thiết bị trường học... tại địa phương. Thế nhưng, còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ nếu đặt trong khía cạnh công bằng trong sinh kế.

Cụ thể, các quy hoạch đất đai đang chạy theo thực tiễn khi chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp cho năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với hình thức địa phương thu hồi đất và cho vào trung tâm phát triển quỹ đất, sau mới phân bổ cho các nhà đầu tư, người dân nhận tiền đền bù theo quy định của nhà nước thấp hơn so với việc được đền bù trực tiếp từ doanh nghiệp...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.