Sáng 14.10, khi nói về đồng đội trong tọa đàm Đường 1C hôm qua và hôm nay (Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam tổ chức tại Thư viện Tổng hợp, Q.1, TP.HCM), nhà thơ Nguyễn Bá (nguyên Cán bộ Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ) đã rất xúc động. Bên dưới hội trường, đại diện các bộ, ngành, cựu thanh niên xung phong của tuyến đường 1C năm ấy, nhiều nhà văn như Trầm Hương, Đặng Vương Hưng (Chủ tịch Câu lạc bộ Trái tim người lính Việt Nam), nhà văn Bích Ngân cùng dõi theo ông. Những vần thơ của Nguyễn Bá đã vút bay lên từ những chiến hào 1C ngày xưa, được mọi người nhắc lại.
Buổi tọa đàm như cuộc gặp mặt thân tình giữa cũ và mới, xưa và nay, để mọi người cùng ôn lại những kỷ niệm, chiến công lẫy lừng cũng như hy sinh anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong miền Tây Nam bộ.
Cuối thập niên 1960, khi chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, để chi viện sức người sức của cho Tây Nam bộ, đường 1C ra đời. Bởi lúc này, đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện, bắn phá dữ dội nên nhiệm vụ cần kíp là mở tuyến đường trên bộ để vận chuyển tài lực đến tận vùng Đất Mũi của tổ quốc.
Nhà văn Trầm Hương, trong bài phát biểu tại buổi tọa đàm, cho biết "trong hơn 800 chiến sĩ thì có đến 2/3 là phụ nữ". Trải qua 18 mùa mưa nắng, đã có 13.000 tấn vũ khí được tiếp nhận và vận chuyển trên tuyến đường này, đưa rước hơn 30.000 người ngược xuôi. Hàng ngàn tấn bom đạn đã dội xuống con đường huyết mạch 1C, nhiều người mãi mãi nằm xuống khi miền Nam chưa giải phóng...
Anh chị em thanh niên xung phong đã để lại tuổi xuân của mình trên tuyến đường ấy. Xuất phát từ điểm nhìn của một cây viết nữ, với giọng văn ôn hòa, đằm thắm, nhà văn Trầm Hương viết: "Có những cô gái ra đi vì lòng căm thù giặc, quê hương bị tàn phá; có những nữ sinh mới rời trường, có những người con gái con trai sắp chạm vào ngưỡng cửa hôn nhân nhưng dừng lại vì muốn góp sức cho ngày hòa bình thống nhất…"
Có những chị em thân hình không lớn nhưng phải "thồ" những bao hàng to gấp 3 lần cơ thể; vì mong hòa bình, họ coi gian khổ như không. Trên chuyến đường hành quân xuyên ngày đêm ấy, lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, họ cứ thế tiến lên. Có chị vì ngâm mình lâu trong nước nên bị bệnh phụ khoa, có chị bị ong đốt chết, rồi bệnh sốt rét, cái đói ập đến... Tuy các chị được trang bị nghèo nàn nhưng vẫn làm nên những chiến công lẫy lừng.
Theo lời kể của nhà văn Trầm Hương tại tọa đàm, tinh thần quật cường thôi vẫn chưa đủ, các chị đã đối diện với hiện thực tàn khốc bằng tinh thần lạc quan. Dường như không một ai bi quan mà luôn vui vẻ trên đường hành quân.
Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tâm sự: "Bây giờ có nhiều người trẻ không biết đường 1C là đường gì". Có thể nói, buổi tọa đàm Đường 1C hôm qua và hôm nay không chỉ gợi lại những khó khăn gian khổ thế hệ trước đã gánh chịu, nó còn nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết thêm trân quý và phát huy những giá trị, di sản mà người xưa để lại.
Đề xuất trùng tu Bia tưởng niệm Thanh niên xung phong tuyến đường 1C
Trước tình trạng xuống cấp của Bia tưởng niệm Thanh niên xung phong tuyến đường 1C, di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vì "huyện biên giới còn nhiều khó khăn trong việc vận động nguồn lực tu bổ, sửa chữa các di tích lịch sử trên địa bàn huyện mà trọng tâm là Bia tưởng niệm Thanh niên xung phong tuyến đường 1C", ông Ong Văn Ngay, Bí thư Huyện ủy Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, đề xuất trùng tu di tích.
Ông tâm sự, nguồn kinh phí từ ngân sách khó đảm bảo cho việc trùng tu, sửa chữa bia, do đó ông mong mỏi các bộ, ban, ngành cùng chung tay để bia được "tân trang" cho xứng tầm với ý nghĩa lịch sử, bởi đây không chỉ là di tích của riêng tỉnh Kiên Giang mà còn của cả phía Nam. "Khi đã nâng cấp khang trang rồi, đây sẽ là địa chỉ để các thế hệ trẻ đến tham quan, học tập, noi gương các cô chú thanh niên xung phong", ông Ong Văn Ngay tâm tư.
Bình luận (0)