Tạm bợ ven đường
“Đường ấu” nằm 2 bên cầu Cai Quản thuộc quốc lộ 80, đoạn chạy qua ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh (H.Lấp Vò). Đoạn đường dài gần 4 cây số có hàng chục điểm bán ấu sống và ấu luộc. Dù lấn ra lề đường nhưng người bán cũng phải bỏ tiền ra mướn chỗ. Người cho mướn là chủ những thửa ruộng, mảnh vườn bên dưới lề đường. Chị Trần Thị Phương, một người bán ấu ven đường, cho biết để có được chỗ bán ấu rộng khoảng 4 m2 như vầy, chị đã bỏ ra mỗi năm 1,5 triệu đồng. Còn chỗ bán rộng chừng 6 m2 phải trả chủ đất 2 triệu đồng/năm.
Các điểm “kinh doanh” loại nông sản dân dã này chủ yếu được che cất tạm bợ bằng cây, lá hoặc những tấm bạt cũ… Ngay “cửa”, trên sạp gỗ tạp bày những bịch ấu đã nấu chín, bên dưới là rổ ấu sống. Hai mặt hàng này được bày sát lề nhằm “đánh” vào thị giác khách qua đường. Khi thấy khách chạy xe sắp tới, người bán liền đứng ngay bên đường vẫy tay, mời gọi rối rít. Bên trong quán là chiếc võng tòn ten để người bán ấu ngả lưng những khi thưa khách.
Chị Trần Thị Phương cho biết do nhà nghèo, không có đất sản xuất, chị phải đi làm mướn kiếm sống qua ngày. Trước đây, khi làm ruộng có ăn chút đỉnh, chủ ruộng thường mướn nhổ mạ, bón phân, gặt lúa... Từ ngày giá lúa rớt thê thảm, chủ ruộng không gọi chị làm những việc đó nữa. “Khoảng 1 năm nay, tôi ra đây mướn chỗ bán ấu nuôi con”, chị Phương tâm sự.
“Đường ấu” đã có từ nhiều năm nay, nhưng “phát” nhất là từ khi quốc lộ 80 được mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu, xe cộ qua lại ngày càng đông. Người mua ấu chủ yếu là tài xế hay khách đi xe tải, xe khách, xe du lịch, xe gắn máy... Ấu được nhiều người ưa chuộng vì ngon, dễ mang theo và giá khá “mềm”: ấu luộc khoảng 10.000 đồng/kg, ấu sống
8.000 đồng/kg. Để có những củ ấu khiến khách qua đường ăn rồi nhớ, người bán thường chọn ấu già, vừa mới hái. Nước luộc ấu bỏ thêm một ít muối hột, để khi ăn ấu có vị ngọt, mặn mặn và bùi. Còn ấu sống, khách mua về nấu chè hoặc hầm chân giò, đuôi heo…
Một người thường lo không xuể việc bán ấu, nên phải cần thêm vài người trong gia đình phụ giúp. Có như vậy mới “trụ” được từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều, thậm chí nhiều người còn chịu khó “cày” tới nửa khuya. Trung bình một ngày chị Phượng bán khoảng 30 - 50 kg ấu, thu lời trên dưới 100.000 đồng. Số tiền này cộng với tiền chồng đi làm mướn cũng giúp cả gia đình lây lất sống qua ngày.
|
Dễ trồng
Ấu có ở Đồng Tháp từ nhiều năm nay, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Lấp Vò và Lai Vung. Đây là loại nông sản dễ trồng, không tốn nhiều vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh phá hại... Vào mùa nước nổi (từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 11 âm lịch), nông dân thường rảnh rang việc đồng áng nên trồng ấu là cách tận dụng diện tích mặt nước tích cực, đem lại hiệu quả cao. Trong quá trình trồng, chỉ cần bón phân, phun thuốc dưỡng cây để ngừa sâu ăn lá và bệnh cháy lá là được. Ông Đào Văn Thể, một nông dân ở H.Lấp Vò, cho biết ông có 4 công ruộng trồng ấu vào mùa nước nổi, mỗi đợt thu hoạch ông thu lời khoảng 4 triệu đồng.
Ngoài mùa nước nổi, ấu vẫn được trồng quanh năm trên đất ruộng, tuy nhiên phải đầu tư nhiều công sức và phân thuốc. Anh Huỳnh Thế Khải (ngụ H.Lai Vung) cho biết củ ấu già rụng xuống nước, sau đó vớt lên, phơi vài ba nắng. Đào một cái ao nhỏ trên đất ruộng, cho đất bùn dày chừng 19 cm vào đáy ao, rồi rải củ ấu xuống. Vài ngày sau, ấu già nứt mộng, cho vào khạp, đổ nước ngập khoảng 10 - 15 cm. Khi thấy thân ấu vượt lên mặt nước, đem giâm xuống ruộng. Lúc ấu nở thành 5 - 7 bụi thì tách ra, trồng đều khắp mặt ruộng, mỗi bụi cách nhau 1 - 1,5 m. Lá vảnh lên khỏi mặt nước là ấu có trái già, đã đến thời điểm thu hoạch. Ấu Lấp Vò, Lai Vung thường được thương lái chở lên TP.HCM tiêu thụ hoặc bán nhiều tại “đường ấu” Lấp Vò.
Phương Kiều
Bình luận (0)