Đường bộ quá tải, hàng không nhốn nháo vì thời tiết

21/02/2018 04:50 GMT+7

Hôm qua là cao điểm người dân đổ về Hà Nội, TP.HCM để chuẩn bị đi làm sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất, khiến nhiều tuyến đường, bến phà trở nên quá tải, ùn tắc kéo dài.

Phà kẹt dây chuyền
Trong những ngày tết, Bến phà Vàm Cống (nối TP.Long Xuyên, An Giang và H.Lấp Vò, Đồng Tháp) đã tăng cường thêm 10 chiếc phà từ 100 - 200 tấn hoạt động 24/24 nhưng vẫn không đáp ứng xuể lượng xe qua phà gấp 2 - 3 lần ngày thường. Đỉnh điểm từ ngày 19 - 20.2, do lượng xe đổ về quá đông khiến phà bị kẹt cứng phía bờ Long Xuyên. Ô tô nằm xếp hàng chờ qua phà kéo dài hơn 3 km trên QL91. Nhiều chuyến phà đưa khách từ phía Long Xuyên qua Lấp Vò phải chạy không tải trở lại bờ Long Xuyên để đón khách nhằm giải tỏa áp lực. Theo giải thích của các ngành chức năng, nguyên nhân kẹt xe do lượng công nhân ở các huyện Tịnh Biên, Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn, TP.Long Xuyên (An Giang) và các huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, TP.Cần Thơ ùn ùn kéo trở lại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM làm việc sau kỳ nghỉ tết.
Bên cạnh đó, nhiều người nghe tin kẹt phà Vàm Cống đã né qua đi phà An Hòa (nối P.Mỹ Long, TP.Long Xuyên - H.Chợ Mới, An Giang) khiến phà này cũng quá tải phía bờ Long Xuyên. Ngoài ra, lượng du khách ở các huyện Chợ Mới (An Giang), TP.Cao Lãnh, H.Lấp Vò (Đồng Tháp) đi chơi tết ở Hà Tiên (Kiên Giang) và vùng Bảy Núi (An Giang) cũng ùn ùn kéo về qua đường phà An Hòa khiến tình trạng ùn ứ càng thêm trầm trọng. Tuyến đường Lý Thái Tổ (P.Mỹ Bình) dẫn ra bến phà bị ùn tắc kéo dài.
Lượng phương tiện từ các tỉnh miền Tây đổ về TP.HCM và các tỉnh miền Đông sau kỳ nghỉ tết khiến QL1, đoạn qua cầu Rượu, bị ùn ứ nhiều cây số, nhất là ô tô. Nguyên do mặt cầu này quá hẹp nên ô tô chỉ lưu thông được 1 làn. Nhiều “điểm nóng” giao thông khác như ngã tư Đồng Tâm, ngã tư Lương Phú, vòng xoay cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc H.Châu Thành (Tiền Giang) nhờ lực lượng chức năng túc trực, điều tiết 24/24 nên tránh được tình trạng kẹt xe như nhiều năm trước.
Ùn ứ ở cửa ngõ, đường trên cao
Từ chiều 20.2, lượng phương tiện đổ về Hà Nội cũng gia tăng đột biến, giao thông tăng nhiệt ở cửa ngõ thủ đô. Từ 14 giờ, tại các Bến xe Hà Nội đã bắt đầu đông người dân ngoại tỉnh đổ về TP. Khu vực xung quanh Bến xe Giáp Bát, xe máy và taxi đón khách gây tắc nghẽn cục bộ ở các cổng vào và ra.
Trong khi đó, so với chiều tối 19.2, chiều qua tình trạng ùn tắc tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ phía Trạm thu phí Pháp Vân lối vào Hà Nội không quá căng thẳng, nhưng phương tiện di chuyển vẫn rất chậm. Tuy nhiên, tại QL1A cũ, lượng xe máy đổ dồn hướng về Hà Nội đông đúc dẫn đến ùn ứ cục bộ. Tình trạng ùn ứ tương tự cũng xảy ra tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ phía nam vào Hà Nội và đường vành đai 3 trên cao.
Ở phía nam, theo Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E), ngày 19 và 20.2 là cao điểm lượng xe từ các nơi đổ về TP.HCM, lưu thông qua tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, cao điểm nhất là 19.2 (mùng 4 tết) với lưu lượng đạt gần 55.000 lượt xe. Trong ngày 20.2, xe lưu thông bị chậm trên khu vực cầu Long Thành do xảy ra các xe va chạm. Hướng từ đường cao tốc về nút giao An Phú (Q.2, TP.HCM) cũng đông xe do chờ đèn tín hiệu giao thông. Dự báo từ 21.2, lượng xe lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ giảm dần.
Lượng xe qua phà Vàm Cống mùng 5 tết tăng đột biến Ảnh: Thanh Dũng

Tàu hết vé, máy bay “lạc” sân vì thời tiết
Trong khi đường bộ quá tải nhiều nơi, tình trạng khổ sở khi trở lại TP cũng xảy ra với khách đi đường sắt và hàng không. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại ga Huế, các nhân viên bán vé thông báo những chuyến tàu từ ga Huế vào các tỉnh phía nam đều đã bán sạch vé, phải ít nhất qua mùng 10 mới có vé trở lại. Phòng khách vận Ga Huế cho biết, ga đang nỗ lực sắp xếp và bán thêm một số ghế phụ trên các đoàn tàu tăng cường phục vụ những trường hợp hành khách cần đi gấp.
Nhưng khốn khổ hơn là những hành khách đi máy bay tới các sân bay Vinh, Đồng Hới, Thọ Xuân, Huế. Thời tiết xấu khiến nhiều chuyến bay bị chậm, hủy. Tại Vinh, đêm 19.2 có hơn 10 chuyến bay tới sân bay Vinh đã phải hủy hoặc chuyển hướng hạ cánh. Trong đó, riêng Vietjet có 3 chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh, như chuyến bay VJ228 và VJ224 từ TP.HCM đi Vinh phải chuyển hướng hạ cánh xuống Nội Bài; chuyến bay VJ220 từ TP.HCM đi Vinh phải hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. 3 chuyến bay VJ221/223/225 từ Vinh đi TP.HCM buộc phải hủy. Vietnam Airlines cũng có 6 chuyến bay từ Vinh - TP.HCM không thể cất cánh, nhiều chuyến bay khác đến Vinh cũng không thể hạ cánh buộc phải bay đến Nội Bài. Theo lãnh đạo Cảng hàng không Vinh, nhiều chuyến bay bị hủy khiến gần 1.000 hành khách phải qua đêm tại sân bay Vinh để chờ các chuyến bay kế tiếp. Tới sáng 20.2, khi hoạt động bay trở lại bình thường, các hãng tăng chuyến bay bù, tất cả các cửa làm thủ tục đều trong tình trạng quá tải...
Khách đã mua vé nhưng không được xuống tàu
Ngày 20.2, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại các bến xe, bến tàu đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn hoạt động bình thường, không xảy ra ùn ứ. Riêng lượng du khách từ bến cảng Rạch Giá đi các xã đảo Lại Sơn, An Sơn, Nam Du (H.Kiên Hải, Kiên Giang) tăng đột biến nên các chủ phương tiện tàu cao tốc phải tăng chuyến.
Trong khi đó, nhiều hành khách từ Phú Quốc trở về TP.Rạch Giá trong ngày 20.2 phàn nàn việc đại lý bán vé bị trùng ghế; khi trả vé bị đại lý thu 40%; một số hành khách đã mua vé rồi nhưng không được xuống tàu do trùng ghế hoặc vượt số ghế quy định đã làm chuyến tàu chạy trễ so với lịch trình gần 1 giờ. (Anh Phương)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.