Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Xe nào được lưu thông?

23/01/2010 23:08 GMT+7

Để giải quyết cấp bách tình trạng quá tải trên QL1A trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được thông xe tạm thời (không thu phí) từ ngày 3.2 tới.

40 km đường hiện đại đầu tiên của VN

Chúng tôi có dịp chạy thử xe trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong những ngày đội ngũ công nhân, kỹ sư, chuyên gia đang tất bật thi công nhằm hoàn thành những hạng mục cuối để chuẩn bị cho phép xe lưu thông. Xe qua khỏi đoạn đường nối từ Tân Tạo - Chợ Đệm, khi đến đoạn đường trên cao (còn gọi là cầu cạn) của tuyến đường cao tốc, cảm giác êm và khác hẳn.

Đoạn đường trên cao dài khoảng 16 km, thẳng tắp, thỉnh thoảng có đoạn cong cong như một con rắn đang uốn mình lượn qua những dòng sông và cánh đồng lúa vừa thu hoạch. Chúng tôi quan sát kỹ lớp nhựa trên bề mặt của tuyến đường cao tốc, vì được biết đây là lần đầu tiên, tuyến đường này được ứng dụng công nghệ phủ một lớp siêu mỏng tạo nhám mặt đường - loại công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ với chiều dài khoảng 1.811 km, bao gồm 16 đoạn tuyến với quy mô từ 4 - 8 làn xe. Hiện tại có 3 đoạn tuyến đang được tiến hành xây dựng gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bến Lức - Trung Lương và đoạn Dầu Giây - Long Thành. Từ năm 2011 - 2020 sẽ đầu tư các đoạn: Ninh Bình - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quảng Ngãi - Bình Định, Bình Định - Nha Trang; Nha Trang - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Long Thành - Bến Lức và Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Giai đoạn sau năm 2020 sẽ xây dựng 342 km (bao gồm cả việc mở rộng đoạn Dầu Giây - Long Thành, Bến Lức - Trung Lương).

Ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó TGĐ Ban quản lý (BQL) dự án Mỹ Thuận cho biết, công nghệ này của Mỹ, mới được đưa vào áp dụng tại một số nước, trong đó VN lần đầu tiên áp dụng trên đường cao tốc.

Được xem là công nghệ của an toàn giao thông, công nghệ phủ lớp siêu mỏng lên bê tông nhựa tạo nhám mặt đường có những tính năng đặc biệt, thoát nước tốt, giảm bắn bụi nước mỗi khi xe chạy qua, chống trơn trượt, tăng tuổi thọ cho con đường và có thể tăng tốc độ thiết kế lên

120 km/giờ. Một điểm mới nữa trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại trên đường cao tốc này, đó là toàn bộ các miếng đệm tại các khe co giãn trên cầu cạn và cầu vượt sông đều do VN chế tạo. Ông Dũng cho biết, miếng đệm khe co giãn này do Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long sản xuất, có chất lượng tốt, nhìn hiện đại và đẹp hơn sản phẩm cùng loại của hãng OVM (Trung Quốc).

Xe vào đường cao tốc, không được dừng

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 61,9 km, bao gồm hai hệ thống đường: Tuyến cao tốc (dài 40 km) và các tuyến đường nối. Điểm đầu là nút giao thông Chợ Đệm, xã Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM; điểm cuối là nút giao thông Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Tuyến cao tốc từ nút giao Chợ Đệm đến nút giao Thân Cửu Nghĩa dài 39,8 km, qua địa bàn TP.HCM (1,26 km), Long An (28,29 km) và Tiền Giang (10,25 km). Đây là đường cao tốc loại A, mặt cắt ngang quy hoạch 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp, nền đường rộng 42m. Riêng giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp, nền đường rộng 25-26m.

Trên tuyến có đoạn đường trên cao dài khoảng 16 km, đi qua khu vực đồng bằng có nền đất yếu. Trên tuyến cao tốc không có giao cắt đồng mức với các tuyến đường khác, tốc độ thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế là 120 km/giờ. Hệ thống đường nối vào tuyến cao tốc gồm có tuyến đường nối Tân Tạo - Chợ Đệm dài 9,6 km; Bình Thuận - Chợ Đệm dài 3,7 km và Thân Cửu Nghĩa - Trung Lương dài 8,8 km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 9.884,5 tỉ đồng.

Theo quy định tại Điều 26 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn

70 km/giờ không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Còn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành, xe máy chuyên dùng có tốc độ nhỏ hơn 70 km/giờ, xe máy kéo, mô tô 2 hoặc 3 bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự, các loại xe máy thi công tự hành, xe bánh xích, xe chở chất độc hại, vật liệu nổ, xe thô sơ, người đi bộ, súc vật không được lưu thông trên đường cao tốc này.

Ông Đỗ Ngọc Dũng cho biết, ở đầu tuyến phía TP.HCM, hiện nay tuyến đường nối Bình Thuận - Chợ Đệm (nối ra khu vực ngã ba đường Nguyễn Văn Linh - QL1A) chưa thi công xong, cho nên từ ngày 3.2 tới, đường cao tốc sẽ chỉ thông xe ra tuyến Tân Tạo - Chợ Đệm (nối ra QL1A khu vực Tân Tạo, Q.Bình Tân).

Ngoài điểm kết nối này, từ TP.HCM đến Trung Lương (Tiền Giang) còn có các điểm kết nối với tuyến cao tốc tại Bến Lức, Tân An và 2 điểm tại H.Châu Thành (Tiền Giang).

Đây là tuyến đường ô tô cao tốc đầu tiên tại VN, cho nên điều đang được nhiều người quan tâm nhất là loại phương tiện nào được lưu thông và được phép chạy với tốc độ như thế nào trên đường cao tốc này. 

Về tốc độ xe lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định, ở làn đường cạnh dải phân cách phải chạy với tốc độ tối đa 100 km/giờ và tốc độ tối thiểu 60 km/giờ. Còn xe chạy cạnh làn dừng xe khẩn cấp phải chạy với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tốc độ tối thiểu 50 km/giờ. Xe chạy với tốc độ đến 80 km/giờ phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 50m, nếu chạy với vận tốc trên 80-100 km/giờ thì khoảng cách tối thiểu giữa hai xe là 100m.

Theo ông Đỗ Ngọc Dũng, chỉ có gần 40 km là đường cao tốc, xe chạy trên đó phải tuân thủ theo quy định về tốc độ tối đa và tối thiểu; còn hệ thống các đường nối vào đường cao tốc việc lưu thông cũng giống như các quy định trên quốc lộ. Xe chạy trên đường cao tốc không được phép dừng. Chỉ được dừng lại ở làn dừng xe khẩn cấp khi xe có vấn đề về kỹ thuật.

Ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết, các lực lượng của TP như CSGT, Thanh tra giao thông và Thanh niên xung phong sẽ tham gia phối hợp cùng với các lực lượng của Bộ GTVT, Bộ Công an và 2 tỉnh Long An, Tiền Giang  trong việc tổ chức giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối cho nhân dân trong thời gian tạm khai thác.

Trong khi đó, theo thượng tá Trần Hoài Bảo, Trưởng phòng CSGT Tiền Giang, từ nút giao Chợ Đệm (TP.HCM) về đến nút giao Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) chỉ mất khoảng 45 phút đối với xe 7 chỗ. Nhưng khi đến QL1A thì xe phải chạy chậm lại vì đường hẹp nên dự đoán có thể xảy ra ùn tắc đoạn từ Trung Lương đến cầu Long Định, đặc biệt là những ngày trước và sau Tết Nguyên đán.

Do vậy lực lượng CSGT sẽ được bố trí thường trực tại khu vực này. Trong trường hợp quá tải sẽ hướng dẫn xe đi vòng theo hướng tỉnh lộ 870B để ra ngã ba Đông Hòa (QL1A). Ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, tại đầu tuyến thuộc địa bàn Tiền Giang có 2 hướng ra, vào đường cao tốc là ngã tư Đồng Tâm và ngã tư Lương Phú, xe vào theo hướng nào cũng được. Từ nay đến ngày thông xe tạm, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về lưu thông trên đường cao tốc, lắp đặt hệ thống biển báo, biển hướng dẫn...

Lưu thông tạm đến bao giờ?

Theo kế hoạch thì đến cuối năm 2010 mới làm xong tuyến đường nối Bình Thuận - Chợ Đệm, đến hết quý 1/2011 mới hoàn thành và tổ chức kết nối xong hệ thống các trạm thu phí và trung tâm điều hành. Vì vậy, thời gian quản lý tạm thời của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có thể kéo dài đến cuối quý 1/2011. Trong thời gian khai thác tạm, sẽ thành lập trung tâm quản lý đường cao tốc đặt tại xã Thân Cửu Nghĩa (H.Châu Thành, Tiền Giang).

Vị trí các chốt kiểm soát giao thông được đặt tại các nút giao Chợ Đệm, Bến Lức, Tân An và Thân Cửu Nghĩa. Bộ phận kiểm soát, điều tiết giao thông chủ yếu là lực lượng CSGT có sự phối hợp của thanh tra giao thông. Ngoài ra, trên toàn tuyến sẽ có 8 vị trí điều tiết giao thông bằng đèn tín hiệu tại các điểm giao cắt ra vào đường cao tốc.

Dự án sẽ xây dựng một trung tâm điều hành trên diện tích 2,93 ha tại H.Bình Chánh (TP.HCM), đồng thời xây trạm dịch vụ trên diện tích 50.000m2 tại Km 27 và 28 H.Thủ Thừa, Long An. Riêng trạm thu phí sẽ được xây dựng tại 4 địa điểm: Chợ Đệm (TP.HCM), Bến Lức, Tân An (Long An) và Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang). Theo PMU Mỹ Thuận thì các đơn vị thi công đang khẩn trương làm việc để đến ngày thông xe tạm sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục liên quan đến mặt đường cùng các hạng mục sơn đường, lắp đặt biển báo, đèn tín hiệu, điện chiếu sáng và rào lưới thép hai bên đường...

Tuy nhiên, đến thời điểm thông xe tạm vẫn còn 15 hạng mục chưa hoàn chỉnh và phải tiếp tục thi công, như cầu vượt dân sinh ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, TP Tân An (Long An) và H.Châu Thành (Tiền Giang)...  

Mai Vọng - Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.