Đường dây cho sinh viên vay “nóng”: Xâm nhập sào huyệt

07/12/2010 01:27 GMT+7

Nói cửa hàng cho vay, cầm đồ cho sang chứ thật ra nhóm người này chỉ thuê diện tích nhỏ xíu ở những nơi gần trường đại học để dễ dàng thu hút sinh viên.

Bao vây sinh viên

Một buổi chiều đầu tháng 12.2010, chúng tôi đến quán cà phê mang tên Sinh Viên nằm trong hẻm 135 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM. Quán này có diện tích khá khiêm tốn, khoảng 30 m2. Lấy cái tên Sinh Viên cho có vẻ trí thức, nói quán cà phê cho oai; chứ thực chất chỉ có vài cái ghế nhựa, và chẳng có ai phục vụ. C. quảng cáo: ngoài cơ sở này còn có 3 cơ sở khác nữa. Tất cả địa điểm cho vay đều nằm gần trường đại học hoặc gần ký túc xá để "thuận lợi" cho sinh viên vay và đóng lãi, cũng như để dễ tiếp thị. Trước đây, C. còn đưa cả đường dây của mình lên mạng internet nhưng mới đây xóa đi vì sợ bị chú ý.

PV đang trao đổi với C...

Chúng tôi vào vai đi đóng tiền lãi giùm cho người bạn tên Dũng. Lúc chúng tôi vào, có 2 SV ở ký túc xá gần đó cầm giấy tờ trên tay đang làm thủ tục vay tín chấp của C. Thấy chúng tôi, C. đón tiếp ân cần và yêu cầu 2 SV trên đi ra trước quán ngồi đợi... Sau một hồi nói chuyện, chúng tôi rút trong túi ra 350.000 đồng, đóng tiền lãi giùm cho người bạn nhưng C. không chịu viết giấy đã nhận tiền. Chúng tôi viện lý do: hoàn toàn tin tưởng C. nhưng viết giấy này chỉ để dễ về thanh toán lại với bạn thôi... Sau một hồi suy nghĩ, C. chấp nhận lấy giấy ra ghi: “Hôm nay, ngày... tháng 12 năm 2010, tôi có nhận của anh Huy 350.000 đồng”, rồi ký tên C. Khi chúng tôi rời quán, C. nói với theo: “Ngoài điểm này, tôi còn có 3 cửa hàng khác. Nếu anh có nhu cầu thì cứ đến”.

 

... rồi đóng 350.000 đồng - tiền lãi suất cho C...

Từ manh mối đó (cửa hàng số 2 nằm trong hẻm 135 Trần Hưng Đạo, Q.1 - bên hông KTX của trường ĐH Kinh tế và ĐH Khoa học tự nhiên), chúng tôi quyết “truy tìm” các cửa hàng cho vay còn lại trên địa bàn TP.HCM, mà theo C. là cùng chung một đường dây, gồm: cửa hàng số 1 nằm trên đường số 2 (đối diện ĐH Bách khoa); cửa hàng số 3 nằm trên đường D5, P.25, Q.Bình Thạnh, đối diện cổng ĐH Ngoại thương cơ sở 2; cửa hàng số 4 nằm tại khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức (nằm tại trung tâm Làng đại học Thủ Đức).

Theo dấu “quỷ”

 

C. viết giấy nhận tiền xong, rồi đưa cho PV giữ - ảnh: Hoài Nam

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được chính những cửa hàng trên “tặng” tờ rơi in dòng chữ đậm cỡ lớn Toàn Thắng Bờm, phía dưới ghi rõ địa chỉ của 4 cửa hàng nói trên và số điện thoại bàn, di động của những người giải quyết thủ tục cho vay. Tờ rơi là chứng cứ khá thuyết phục về mối liên kết của 4 cửa hàng. Sau nhiều ngày tiếp cận, chúng tôi ghi nhận được sự liên kết khá “mật thiết” của đường dây vay tiền này: SV nào có nhu cầu đến 1 trong 4 cửa hàng trên vay tiền đều có một “ông chủ” đứng ra hướng dẫn làm thủ tục giải quyết, chi tiền. SV vay tiền ở cửa hàng nào thì đến cửa hàng đó trả tiền gốc; còn nộp tiền lãi thì đến bất kỳ cửa hàng nào trong 4 nơi trên.

Trưa 2.12, chúng tôi lần theo hướng dẫn của một SV từng vay tiền tại cửa hàng đường D5. Đối diện cổng ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) là một văn phòng kinh doanh địa ốc, treo bảng với nội dung: Cầm đồ, cho vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, nhanh gọn... nhưng không có H., người trực tiếp giao dịch ở đây. Chúng tôi gọi điện thoại, được H. hướng dẫn đến cửa hàng số 3 mới chuyển đến địa điểm gần trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nằm trên đường D2 (Q.Bình Thạnh). 5 phút sau, chúng tôi có mặt tại cửa hàng của H. mang tên Toàn Thắng Bờm. Bên trong có 2 thanh niên mặt bặm trợn; người hớt tóc đầu đinh tên H. trực tiếp giao dịch với chúng tôi. Trên bàn có vài cuốn tập ghi danh sách SV vay tiền, cầm đồ. Chúng tôi rút trong ví ra thẻ SV ĐH Luật TP.HCM, khóa 2005 - 2009, mang tên Đ.V.T.H cho H. xem. H. đọc kỹ nội dung trong thẻ SV rồi lắc đầu: “Thẻ này không được. Anh đã ra trường rồi, sao vay được. Mà thẻ SV có được đi chăng nữa, anh cũng không đủ điều kiện được vay, bởi vì phải có thêm giấy xác nhận của nhà trường mà SV đang theo học”...  Rồi H. cho biết thêm hình thức cho vay, lãi suất cửa hàng này cũng tương tự 3 cửa hàng còn lại của hệ thống Toàn Thắng Bờm, hoạt động từ 8 giờ 30 cho đến 20 giờ 30 hằng ngày.

Xem thường pháp luật

Quá cao!

Trao đổi với chúng tôi, cán bộ của một ngân hàng nhận định: “Lãi suất cho vay tính ngày của ngân hàng: vay 1 triệu đồng, lãi cũng chỉ khoảng 450 đồng/ngày. Lãi suất của đường dây trên là quá cao”.

Trong số những người chúng tôi tiếp cận, C. tỏ ra là người huênh hoang nhất. Theo chúng tôi tìm hiểu, C. mới chỉ học cấp 2, quê Hà Nội, khăn gói vào TP.HCM lập nghiệp từ đầu năm 2010.      

Thủ tục mà C. yêu cầu trước khi đến: Thứ nhất, người vay mang theo thẻ SV; Thứ 2, giấy xác nhận của trường việc SV trong thẻ đang theo học tại trường năm 2010; Thứ 3, viết giấy nhận tiền theo nội dung mà C. chuẩn bị sẵn. C. huênh hoang mình rất am hiểu pháp luật và lách bằng cách: yêu cầu SV viết giấy nhận tiền bán máy vi tính xách tay cho C., chứ không phải SV viết giấy vay tiền của C.. Chúng tôi thắc mắc: “Vậy tính ra lãi suất hằng tháng là 21%, vượt quá quy định của pháp luật, có thể sẽ bị công an xem xét về hành vi cho vay nặng lãi?”. C. cười đắc chí: “Tao đâu thu lãi suất tháng. Mười ngày tao thu một lần. Tao nói đây là cho vay tín chấp ngày, chứ không phải tháng. Nếu công an có đến hỏi thì đây cũng chỉ là giao dịch mua bán máy tính dân sự bình thường, đâu phải cho vay gì đâu mà sợ. Có nhiều người đến năn nỉ tao còn chưa cho vay, chứ không phải ai muốn vay là được. Sinh viên đến vay nhiều lắm nên không cần chiều chuộng gì cho mệt”. Thấy chúng tôi than phiền về lãi suất, C. nói luôn: “Ở Làng đại học Thủ Đức, nhiều bọn cho vay cắt cổ hơn nhiều, cho vay 1 triệu đồng, thu tiền lãi 40 ngàn đồng/ngày”.

C. từng tuyên bố với nhiều SV rằng, chọn nghề này phải quen biết nhiều. Đúng như C. nói, cho vay "cắt cổ" là một trong những “nghề” siêu lợi nhuận; nếu không có thế lực, quen biết thì khó mà tồn tại. 

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.