Đường dây nóng là số điện thoại nhằm tiếp nhận những thông tin khẩn cấp. Ví như đường dây nóng của báo chí ở nước ta chẳng hạn, thường xuyên tiếp nhận những thông tin đại loại như: cháy nhà, tai nạn giao thông, cờ bạc, buôn bán ma túy, sản xuất gây ô nhiễm, đường sá xuống cấp, kẹt xe kẹt phà, cúp điện cúp nước không thông báo trước…
Về đại thể, những thông tin nêu trên đều phù hợp với tinh thần của đường dây nóng. Ở tầm an ninh thế giới, những cường quốc quân sự như Mỹ và Nga cũng thiết lập đường dây nóng của 2 chính phủ để trao đổi về những vấn đề hệ trọng, cấp bách, thậm chí ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân xảy ra do một sự hiểu lầm nào đó. Tóm lại, đường dây nóng không phải số điện thoại để đùa giỡn.
Câu chuyện đường dây nóng của Thành ủy và UBND TP.HCM suốt 10 ngày qua đã trở thành chuyện “nóng” do tiếp nhận đến 4.400 cuộc gọi. Có một lý giải về số lượng đông đảo người dân muốn gọi lãnh đạo TP.HCM: Một là, thành phố này có số dân đông nhất nước với tốc độ đô thị hóa khá nhanh; Hai là, nền tảng hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng kịp với đà tăng dân số ấy, cho nên hầu như ngày nào cũng có chuyện để nói, trừ 3 ngày tết. Điều đáng buồn là trong số hàng ngàn cuộc điện thoại ấy, có một số cuộc gọi cho lãnh đạo để… giải sầu. Ngay cả tổng đài Cảnh sát 113, Cảnh sát PCCC 114 cũng bị “quậy”. Như đã nói, đường dây nóng nhằm mục đích phục vụ cho những bức xúc chính đáng của bà con, chứ đâu phải nhà hoang đâu mà vào đó quậy phá và cũng đâu có quởn để nghe “tâm sự loài chim biển”!
Tôi được phân công phụ trách đường dây nóng Báo Thanh Niên từ ngày đầu thiết lập, đến nay đã gần 20 năm, nên rất hiểu và cảm thông cho những vị phụ trách đường dây nóng của TP.HCM. Đường dây nóng Báo Thanh Niên cũng thường xuyên tiếp nhận những cuộc gọi… giải sầu, trong đó có một nữ độc giả, hầu như ngày nào cũng gọi. Mỗi lần chị gọi chỉ để nói về một đề tài bức xúc quen thuộc, nói liền một mạch khoảng 30 phút rồi cúp máy cái rụp. Tôi chẳng chen vô được câu nào, thậm chí chưa kịp nói lời “cảm ơn bạn đã gọi”. Bà con phải hiểu điều này, nếu cuộc gọi của bạn quá lâu, sẽ không chỉ “tra tấn” người nghe mà còn gây trở ngại cho những người khác đang thực sự có nhu cầu gọi đến đường dây nóng để phản ánh.
Mặc dù phải tiếp nhận đủ thứ chuyện hỉ, nộ, ái, ố, nhưng những số đường dây nóng của các cơ quan công quyền ở TP.HCM và báo chí sẽ vẫn tiếp tục tồn tại. Vấn đề còn lại của TP.HCM và tôi tin rằng còn là của không ít địa phương khác nữa như đã đề cập ở trên, là phải có biện pháp xử phạt thích đáng những kẻ quậy phá. Ví dụ nước Mỹ chẳng hạn, những người quậy phá đường dây nóng ở bang California sẽ bị phạt 10.000 USD cộng 1 năm tù, ở bang Illinois còn nặng hơn: phạt tù từ 1 - 3 năm cộng 25.000 USD (hơn 550 triệu đồng). Nhờ phạt nặng như vậy nên ít ai dám giỡn mặt với chính quyền. Dĩ nhiên VN không thể phạt theo kiểu Mỹ được, thế nhưng thiết nghĩ chính quyền cũng cần đưa ra khung hình phạt thích đáng những kẻ quậy phá qua đường dây nóng.
Bình luận (0)