Ngày 12.7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03) – Công an TP.HCM cho biết đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, do Quách Ngọc Giao (55 tuổi, ngụ P.11, Q.10, TP.HCM) cầm đầu.
Ngoài Quách Ngọc Giao, PC03 còn bắt giữ 10 người cùng nhiều tang vật liên quan vụ án sản xuất, mua bán thuốc giả.
Đập tan đường dây thuốc tây giả bạc tỉ in toàn thương hiệu nổi tiếng
Cuối năm 2022, qua công tác quản lý địa bàn, PC03 phát hiện một số đối tượng có dấu hiệu sản xuất, mua bán các loại thuốc chữa bệnh giả.
Sau thời gian xác minh điều tra, đến 9 giờ 15 phút ngày 11.7, tại một địa điểm trên đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, PC03 bắt quả tang Quách Ngọc Giao đang vận chuyển thùng cát tông chứa 300 hộp thuốc Fugacar, đem giao cho Tăng Chí Đức (ngụ Q.11).
Qua khám xét khẩn cấp nơi ở của Quách Ngọc Giao, kho chứa hàng và 19 điểm sản xuất, tiêu thụ thuốc giả tại TP.HCM, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, công an phát hiện hàng trăm thùng thuốc giả ghi các nhãn hiệu nổi tiếng, dùng để điều trị các bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp, tăng huyết áp.
Cùng ngày, công an khám xét kho chứa hàng của Quách Ngọc Giao tại địa chỉ 282/5 Nguyễn Trọng Tuyển, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, phát hiện và thu giữ thêm 65 thùng cát tông thuốc giả thành phẩm, bao bì, tem nhãn các loại.
Mở rộng điều tra, công an khám xét nhà tại xã Hòa Hưng, H.Cái Bè, Tiền Giang của bị can Trần Văn Nghĩa (50 tuổi, ngụ ấp Mỹ An, xã Mỹ Đức Tây, H.Cái Bè), phát hiện và thu giữ 25 thùng cát tông thuốc các loại.
Trần Văn Nghĩa khai tiêu thụ thuốc giả do Quách Ngọc Giao sản xuất; riêng thuốc Asmacort do Nghĩa tự sản xuất. Để sản xuất thuốc Asmacort, Nghĩa mua vỏ chai, tem nhãn của Quách Ngọc Giao, mua thuốc từ các công ty dược Việt Nam, sau đó lột bỏ tem thuốc nội địa, dán tem thuốc ngoại nhập vào để bán với giá cao hơn.
Khám xét tại căn nhà ở P.Tân Quý, Q.Tân Phú, là địa điểm tổ chức sản xuất thuốc giả của Phạm Văn Đin (quê Đồng Nai), công an thu giữ 40 thùng cát tông thuốc thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại.
PC03 cho biết, bị can Đin tổ chức sản xuất thuốc giả các loại như: Enat, Tanganil 500 mg. Sau đó, Đin giao toàn bộ thuốc thành phẩm cho Giao tiêu thụ. Để sản xuất mặt hàng Enat, Tanganil 500 mg, Đin mua thuốc của các công ty dược Việt Nam và thuốc quá hạn sử dụng trôi nổi trên thị trường. Còn vỉ nhựa, bản kẽm khuôn vỏ hộp giấy, tem, in ấn bao bì… Đin đặt mua và in từ một vài công ty ở Q.Bình Tân, Q.Tân Phú.
Mua thuốc hết hạn sử dụng về thay đổi bao bì rồi bán ra thị trường
Các bị can khai đường dây tổ chức sản xuất, mua bán thuốc giả do Giao cầm đầu có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người trong quá trình sản xuất, mua bán.
Cụ thể, Giao thuê Đào Công Tâm sản xuất thuốc giả nhãn hiệu Becozyme, Laroscorbine; Đin sản xuất thuốc giả nhãn hiệu Enat, Tanganil 500 mg; Trần Văn Nghĩa sản xuất thuốc giả nhãn hiệu Asmacort; Nghiệp sản xuất thuốc giả nhãn hiệu Fugacar; Đức sản xuất thuốc giả nhãn hiệu Terneurine H.5000, Voltaren.
Để làm ra thành phẩm thuốc giả, nhóm này mua thuốc của các công ty dược Việt Nam hoặc thuốc hết hạn sử dụng trên thị trường, sau đó về thay đổi bao bì, tem nhãn thành thuốc nước ngoài sản xuất, bán ra thị trường với giá cao để hưởng chênh lệch về giá. Sau khi sản xuất, các đối tượng vận chuyển thuốc giả thành phẩm các loại về nơi ở và kho chứa hàng của Giao để tiêu thụ trên thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận.
PC03 cho biết, tổng trị giá toàn bộ tang vật thu giữ trong chuyên án này lên đến hàng chục tỉ đồng. Hiện CQĐT đang điều tra mở rộng vụ án sản xuất, buôn bán thuốc giả liên tỉnh nói trên.
Bình luận (0)