Lỗ hổng
28 cầu thủ trong danh sách sơ bộ U.23 Việt Nam dự vòng chung kết U.23 châu Á 2024 đã được HLV Hoàng Anh Tuấn công bố. Trong số này, yếu tố kinh nghiệm là đáng lo hơn cả.
Trong danh sách U.23 Việt Nam, có thể chia các cầu thủ thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm các cầu thủ có chỗ đứng tại V-League (với 10 trận trở lên kể từ đầu giải), có thể kể đến Phan Tuấn Tài (14 trận), Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Quốc Việt, Bùi Vĩ Hào, Võ Hoàng Minh Khoa, Hoàng Văn Toản (cùng 13 trận), Nguyễn Đức Việt, Khuất Văn Khang (cùng 12 trận), Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Ngọc Thắng (11 trận).
Nhóm 2 gồm các cầu thủ góp mặt ở V-League nhưng phải nỗ lực cạnh tranh. Đó là Nguyễn Đình Bắc, Võ Nguyên Hoàng (cùng 9 trận), Trần Nam Hải (8 trận), Quan Văn Chuẩn (7 trận), Trần Trung Kiên (6 trận), Nguyễn Đức Anh (2 trận), Nguyễn Hồng Phúc (1 trận)... Còn lại là các cầu thủ đang đá ở giải hạng nhất như Nguyễn Đức Phú, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Thành Khải, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Mạnh Hưng.
Nhìn sâu hơn con số trận đấu, những cầu thủ U.23 Việt Nam thực sự đã chứng tỏ năng lực ở sân chơi cao nhất thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số sao trẻ cạnh tranh được vị trí ở đội tuyển Việt Nam còn ít hơn nữa, không quá 4 cầu thủ. Do hệ thống bóng đá Việt Nam trong thời gian qua chưa có số trận đủ nhiều để các cầu thủ mài giũa (các giải U.19, U.21 có không quá 20 trận mỗi năm), nên đặt cạnh những cường quốc bóng đá, rõ ràng cầu thủ trẻ Việt Nam có độ "hụt" về bề dày thực chiến.
HLV Hoàng Anh Tuấn thay ông Philippe Troussier dẫn dắt U.23 Việt Nam dự VCK U.23 châu Á 2024
Mà ở những giải đấu tầm châu Á, bản lĩnh mới là chìa khóa chiến thắng, sau đó mới bàn đến chuyện kỹ năng.
Trước khi rời ghế chỉ đạo, HLV Troussier đã đan cài lứa U.23 với đội tuyển Việt Nam để các cầu thủ học hỏi từ đàn anh. Đây là vốn quý dành cho cầu thủ, tuy nhiên, những đợt tập trung chỉ kéo dài vài ngày khó mang lại thay đổi đột phá cho nền tảng của cả một lứa trẻ.
Liệu cơm gắp mắm
Trong 4 lần dự giải U.23 châu Á, U.23 Việt Nam lần lượt giành HCB (2018), vào tứ kết (2022), bị loại ở vòng bảng (2016, 2020). Có một thống kê đặc biệt: vào những năm vòng chung kết U.23 châu Á tổ chức ngay trước thềm Olympic (đồng nghĩa giải châu Á mang đến tấm vé thông hành đến Thế vận hội), U.23 Việt Nam đều bị loại ở vòng bảng. Đây không phải sự trùng hợp.
Bởi những nền bóng đá hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ả Rập Xê Út, Uzbekistan, Iraq... có thói quen tập trung lực lượng mạnh nhất cho những năm giải U.23 châu Á được coi như vòng loại Olympic, nhằm giành lấy tấm vé dự Thế vận hội.
Còn vào những năm giải U.23 châu Á không "đính kèm" Olympic, những nền bóng đá mạnh thường cử đội U.20 đi dự giải để tích lũy kinh nghiệm cho những năm sau đó. Vậy nên, cơ hội để những nền bóng đá thuộc nhóm yếu hơn như Việt Nam bứt phá là rõ ràng hơn.
Với phần thưởng cho ngôi cao là vé Olympic, không khó hiểu nếu Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan sẽ mang tới Qatar đội hình "khủng". Đây là thách thức lớn cho thầy trò ông Hoàng Anh Tuấn. Đối thủ mạnh hơn, trong khi lực lượng cầu thủ còn non trẻ, đòi hỏi ông Hoàng Anh Tuấn phải "liệu cơm gắp mắm" khéo léo.
U.23 Việt Nam đã được huấn luyện tư duy kiểm soát bóng, tự tin cầm bóng triển khai tấn công, phối hợp nhóm trong 1 năm qua. Dù vậy, khâu huấn luyện cầu thủ không thể chỉ trông đợi ở đội tuyển, mà còn cần tiến hành ở CLB từ khi cầu thủ còn rất trẻ, ở độ tuổi dễ uốn nắn.
Vậy nên, chọn lọc những cầu thủ phù hợp với triết lý, xây dựng lối đá biết mình biết người, rèn những bài đánh "tủ" là lối tắt mà ông Hoàng Anh Tuấn sẽ chọn lọc, để đường đến Olympic dù còn khó khăn, nhưng vẫn còn nguyên tia hy vọng.
6 suất Olympic 2024 của đoàn thể thao Việt Nam, họ là ai?
Bình luận (0)