Đây là số ít trong những em nhiễm HIV có được niềm vui đến trường học bình thường như bao bạn đồng lứa không bệnh khác.
Đến trường vẫn là niềm mơ ước của các trẻ nhỏ tại nhiều trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có HIV.
Niềm vui đi học
Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Linh Xuân (sau đây gọi tắt là Trung tâm Linh Xuân) hiện đang nuôi dưỡng 118 trẻ em có HIV từ sơ sinh đến 14 tuổi.
Đây là lần thứ hai tôi đến Trung tâm Linh Xuân. Sau hai năm, tôi nhận ra H.D. P.D. N.T.M. nay đã ra dáng thiếu niên, thiếu nữ tuổi 13, 14. Bất giác, tôi nhớ đến câu nói của cô Tâm (một cô giáo của trung tâm) cách đây hai năm: “Các em đón thêm được sinh nhật tuổi nào là các cô mừng thêm tuổi đó…”.
Hiện nay, H.D. P.D. N.T.M. là những em lớn nhất tại Trung tâm Linh Xuân này.
Lứa của các em đã bước qua tuổi 14. Tức đã 14 năm qua, các em sống và vượt qua căn bệnh HIV đang mang trong người. Không như tuổi nhỏ, khi các em lớn lên, các cô còn nhiều điều để lo hơn. Mà điều cơ bản nhất là đảm bảo việc học hành, cho các em được đến trường, cho các em một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Khác với cái vẻ trầm trầm, ít nói mà tôi gặp H.D. cách đây hai năm, em giờ hoạt bát, lanh lợi và trò chuyện luyến thoắn, tự nhiên hẳn. Học chương trình tiểu học ngay trong trung tâm, đến lớp 6, H.D. và các bạn mới được các cô quyết định xin ra trường ngoài học. H.D. kể lại kỷ niệm của mình ngày đi học đầu tiên: “Khi mới đi học em lạ lắm! Nghe reng chuông giờ ra chơi mà cứ tưởng ra về. Thế là xách cặp ra về luôn. Bạn bè cười quá trời”.
P.D. trầm lặng hơn kể: “Lúc đầu cũng ngại ngại và không quen. Tụi em không chơi với ai nhiều. Nhưng giờ hầu như bình thường lắm. Mấy bạn chẳng có phân biệt gì cả”.
Cả H.D., P.D. đều đang học lớp 8. Trung tâm Linh Xuân hiện có 20 em đang đi học tại các trường trên địa bàn Q.Thủ Đức. Trong đó, có 9 em học trung học cơ sở, 11 em học tiểu học.
Cô Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Linh Xuân, cho biết cô muốn đưa các em đến trường học bình thường để hòa nhập cộng đồng, tiếp cận với chương trình giáo dục chung.
“Lúc đầu vận động đi học cũng khó khăn lắm. Trung tâm phải chuẩn bị tâm lý để nhà trường an tâm và lường hết các biện pháp bảo đảm an toàn cho các bé và bạn bè trong trường”, cô Tiên tâm sự.
Các cô cũng lường trước những câu hỏi mà H.D. và các em có thể gặp phải như: nhà ở đâu, bố mẹ làm gì,…
“Lúc đó, tôi dặn các em trả lời một cách chung chung là ba mẹ làm cán bộ công nhân viên nhà nước, nhà ở Q.Thủ Đức này. Và lỡ nếu có bạn bắt gặp đi vào trung tâm thì nói tại mẹ làm ở đây”, cô Tiên kể. Mặt khác, các em được trang bị và nhắc nhở kỹ lưỡng về sinh hoạt của mình, cách xử trí khi có tai nạn trầy xước hay té ngã…
Thế nhưng, đến nay, H.D., P.D., N.T.M. và các bạn nhỏ ở Trung tâm Linh Xuân đã quen với trường lớp, bạn bè, tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt của trường giống như các bạn đồng trang lứa.
Đặc biệt hơn, giờ đây, có những ngày, cánh cửa Trung tâm Linh Xuân đã hân hoan đón chào chính các bạn trong lớp của H.D., P.D., N.T.M.,… đến “nhà” của H.D. để tập văn nghệ, tập múa trong những đợt chuẩn bị cho hội thi của trường.
Trẻ có HIV vẫn bị kỳ thị khi đến trường
Tuy nhiên, đến giờ, những trường hợp hạnh phúc như H.D., P.D.,… vẫn chỉ là số ít. Trẻ có HIV vẫn bị kỳ thị khi đến trường. Đó là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị Điều phối hoạt động phòng chống HIV/AIDS do Ủy ban Phòng chống (UBPC) AIDS TP.HCM và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM tổ chức sáng 22.12 tại TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết: Trên địa bàn TP.HCM hiện có 4.121 trẻ em có HIV. Trong đó, có 1.876 em đang được điều trị ARV. Riêng 6 tháng đầu năm 2010 đã phát hiện thêm 312 em có HIV. Thế nhưng, khoảng 2/3 số trẻ đó không được đến trường bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV trong cộng đồng.
Nhiều sự việc kỳ thị đối với trẻ có HIV đã được bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Phó Chánh văn phòng UBPC AIDS TP.HCM dẫn chứng.
Trong năm 2009, 15 em ở Trung tâm Mai Hòa (mái ấm từ thiện dành cho những người có HIV giai đoạn cuối và những trẻ có HIV) được đưa đến trường Tiểu học An Nhơn Đông (huyện Củ Chi) nhập học. Thế nhưng, các em đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đông đảo phụ huynh học sinh (PHHS) của trường. Trước phản ứng gay gắt đó, cô trò Trung tâm Mai Hòa phải trở về trong nước mắt.
Cũng trong năm 2009, một trường mẫu giáo của Q.11 cũng gặp phải trường hợp kỳ thị tương tự. Hiệu trưởng không nhận trẻ vào học khi biết trẻ có HIV.
Năm 2010, tại huyện Nhà Bè, phụ huynh học sinh một trường tiểu học đã phản ứng dữ dội khi biết có trẻ có HIV học trong trường. Các phụ huynh xin rút đơn để chuyển trường cho con.
“Ước mơ được đến trường của trẻ có HIV là chính đáng. Bản thân các em không có lỗi mà phải gánh chịu hậu quả do bố mẹ truyền sang. Vì vậy, các em rất cần sự chia sẻ, cần những bàn tay nâng đỡ của cộng đồng”, bác sĩ Vân nêu ý kiến.
Theo thông tin của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, số trẻ có HIV trong cả nước dự báo đến năm 2012 sẽ vào khoảng 6.500 em.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: Trẻ em có HIV hiện nay được điều trị bằng thuốc ARV, qua xét nghiệm không tìm thấy virus HIV trong máu. Bởi vậy sự lây nhiễm là hoàn toàn rất khó xảy ra. Hơn nữa, hiện nay ngành y tế, giáo dục luôn có đủ các biện pháp để đảm bảo cho trẻ không bị lây nhiễm bệnh ở trường, nhất là HIV.
“Để giúp trẻ có HIV có cơ hội tiếp tục học tập hòa nhập, phụ huynh học sinh và cộng đồng cần hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, biết phòng tránh lây nhiễm HIV đúng cách để không có sự kỳ thị với trẻ nhiễm bệnh”, bác sĩ An nói về con đường đến trường của trẻ nhiễm HIV.
Nguyên Mi
Bình luận (0)