Sau khi được xây dựng và chỉnh trang, hệ thống đường Trường Sa và Hoàng Sa (ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) uốn lượn xuyên giữa lòng TP.HCM. Tuy nhiên, xe cộ vẫn chưa thể chạy thông suốt dọc hệ thống đường khá đẹp này.
Hơn 400 tỉ đồng đang được đầu tư để cải tạo mặt đường, lát gạch vỉa hè, trồng cỏ và cây cảnh trên tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa. Theo kế hoạch, đầu tháng 9.2012, việc “trang điểm” cho tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa sẽ hoàn thành.
Tắc bởi 7 cây cầu
Trên tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa, hiện giờ xe chỉ có thể chạy một mạch từ hợp lưu (Q.Tân Bình) đến cầu Lê Văn Sỹ (Q.3), do đoạn này đã được cải tạo, mở rộng xong vào cuối năm 2011. Đoạn còn lại từ cầu Lê Văn Sỹ đến đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện đang được Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT) cải tạo, mở rộng tương tự và theo kế hoạch sẽ khánh thành vào dịp lễ 2.9. Tuy nhiên, khi cải tạo và mở rộng xong, đoạn đường này chưa thể lưu thông thông suốt, do bị cắt bởi 7 cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Ông Ngô Bá An, Phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1), cho biết đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Thị Nghè có 9 cây cầu bắc ngang qua tuyến kênh. Hiện tại, chỉ có cầu Công Lý và cầu Hoàng Hoa Thám do mới được xây dựng nên có đường chui dưới cầu với tĩnh không khoảng từ 2 - 2,5m, còn tại 7 vị trí khác đều bị tắc hoặc lưu thông không thuận lợi. Như tại cầu Lê Văn Sỹ, các điểm giao nối với đường Hoàng Sa và đường Trường Sa không nằm trên 2 trục đường này nên phương tiện lưu thông gặp khó khăn.
|
Tại cầu Kiệu, đường Trường Sa có điểm nối lên cầu ở phía đông của cầu, trong khi ở phía tây là đường cụt. Tương tự, đường Hoàng Sa có giao nối tại ngã ba ở phía tây của cầu với đường Hai Bà Trưng thông qua một con hẻm, còn ở phía đông cũng là đường cụt. Tiếp đến là cầu Trần Khánh Dư (là cây cầu thép tạm mới được dựng vào năm 2007), luồng giao thông trên đường Hoàng Sa ở phía bờ nam có thể đi thẳng, trong khi phía bờ bắc là đường Trường Sa xe phải đi đường vòng. Đến cầu Bông, đường Trường Sa và Hoàng Sa chỉ có giao nối ngã ba ở phía đông cầu, còn phía tây cầu là đường cụt.
Tại vị trí cầu Bùi Hữu Nghĩa phía đường Hoàng Sa có đường chui dưới cầu với tĩnh không 2,3m, nhưng chiều ngang khá hẹp (3m), để lưu thông thuận lợi hơn thì phải mở rộng ra về phía bờ kênh. Trong khi phía đường Trường Sa tại cây cầu này lại là đường cụt, muốn liên thông phải làm công trình cầu vượt qua con rạch Cầu Bông (chạy song song với đường Bùi Hữu Nghĩa).
Tại vị trí cầu Điện Biên Phủ, đường Hoàng Sa kết nối vào vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía đường Trường Sa kết nối là ngã ba đường Điện Biên Phủ nhưng xe không thể băng ngang qua con đường này. Tại vị trí cầu Thị Nghè, đường Hoàng Sa và đường Trường Sa đều kết nối với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ở phía tây cầu. Phần đường Trường Sa từ cầu Thị Nghè đến đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được làm mới, nhưng không kết nối trực tiếp được với phía tây cầu Thị Nghè, nghĩa là cũng không thông tuyến được.
Phương án nào?
Làm thế nào để lưu thông liên tục, thông suốt trên hai đoạn đường này? Ông Ngô Bá An cho biết Sở GTVT đã nghiên cứu các phương án giải quyết giao thông liên tục suốt tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời từng bước giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị và khai thác vận tải đường thủy phục vụ du lịch trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo ông An, phương án kết nối đơn giản, nhanh và ít tốn kém nhất là xây dựng các điểm giao cắt đồng mức trên đường đầu cầu.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là có thể gây ùn tắc giao thông, đồng thời không cải thiện được tĩnh không thông thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Còn nếu làm cầu vượt thì độ tĩnh không của mỗi cây cầu tối thiểu phải 4,75m, do vậy phải kéo chiều dài hai bên ra, ở góc độ cảnh quan kiến trúc, tuyến đường ven kênh bị lồi quá lớn tại vị trí cầu vượt nên không phù hợp, chưa kể đến phải giải tỏa khối lượng lớn 2 bên cầu. Còn với phương án làm đường chui ở 2 bên đầu cầu, sẽ giữ nguyên cầu hiện hữu, nhưng do mặt đường chui bị hạ thấp ở mức thấp hơn mực nước triều cường, nên phải xây dựng tường chắn và bố trí hệ thống bơm thoát nước, nghĩa là phải thêm chi phí duy tu, vận hành hệ thống này.
Riêng tại vị trí cầu Điện Biên Phủ, do bên dưới là tuyến ống cấp nước chính của thành phố (đường kính 2.000 mm) nên không thể làm đường chui mà chỉ có thể thực hiện giải pháp giao đồng mức kết hợp với vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm là có thể đủ điều kiện để thông suốt tuyến tại vị trí này. Theo ông An, còn có phương án nữa là làm mới cầu. Trong số 7 cây cầu nêu trên, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, cầu Bông và cầu Thị Nghè nếu xây dựng mới sẽ là phương án tốt nhất.
Trong giai đoạn trước mắt, nên làm trước 3 cây cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu và cầu Bông. Một lý do khác để làm mới là vì các cây cầu này không đảm bảo an toàn cho các trụ và mố khi dự án Vệ sinh môi trường thành phố thực hiện nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ông An cho biết khi nạo vét đúng với độ sâu thiết kế tại vị trí các cây cầu này, có thể gây sạt lở mố, trụ cầu bởi do đặc điểm các mố, trụ cầu này được xây dựng từ trước năm 1975 theo kết cấu mố trụ trọng lực không có móng cọc bê tông cốt thép. Ngoài ra, các cây cầu này có tải trọng không còn phù hợp với hiện tại nữa.
Sở GTVT nghiêng về phương án xây dựng mới, đảm bảo tĩnh không cho đường chui dưới cầu từ 2,2 - 2,5m và tĩnh không thông thuyền phục vụ du lịch trên kênh sau này. Trước mắt sẽ thay thế cầu cũ, làm đường chui dưới cầu, chưa làm đường dân sinh cặp hông cầu do điều kiện giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, kinh phí đền bù giải tỏa lớn. Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn như hiện nay, Sở kiến nghị triển khai trước 3 cây cầu là cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu và cầu Bông, các cây cầu còn lại sẽ nghiên cứu giải quyết tiếp khi có điều kiện thuận lợi. Ước tính kinh phí làm mới mỗi cây cầu này khoảng 200 tỉ đồng, thời gian thi công sẽ kéo dài khoảng 18 tháng cho mỗi cầu.
|
\
|
Mai Vọng
Bình luận (0)