“Muốn biết đường được chuyển lậu vào VN nhiều như thế nào, hãy nhìn vào các kho đường ở bên kia biên giới”, một người quen nói như thế khi giúp chúng tôi tiếp cận với những kho đường “quá cảnh” trên đất Campuchia.
Cận cảnh điểm trung chuyển Tà Lập
Trong vai người đi tìm nguồn phế liệu mua về VN, chúng tôi đến thị trấn Tà Lập (huyện Kri Vông, tỉnh Tà Keo, Campuchia), cách cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) vài cây số. Thị trấn nhỏ này nhiều năm nay đã trở nên sầm uất. Người ta thấy ở đây tất cả các mặt hàng mà bằng nhiều đường khác nhau, lần lượt đổ vào VN. Không sai khi nói Tà Lập là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất từ Campuchia sang VN. Phế liệu, hàng điện tử, vải vóc, đồ sida, trái cây, mỹ phẩm... nhưng nổi cộm nhất là những kho chứa đường lớn nằm cặp theo quốc lộ 2, nối liền Phnom Penh với Tịnh Biên. Mặt hàng đường đang sôi động dù rằng ở đây không hề có nhà máy sản xuất đường lớn nào.
Quốc lộ 2 đoạn qua Tà Lập, Thăm Đưng gần biên giới có những nhánh đường đất rẽ ra những gò cao giữa đồng rộng, nơi mọc lên những kho tạm. Đường từ đây đổi phương tiện chuyên chở và để “tẩy” nguồn gốc trước khi vượt biên. Một người làm công tại một trong những kho đường lớn nhất ở Tà Lập tiết lộ, quanh những kho đường này, lực lượng cảnh giới đã cho người chốt ở những điểm giao thông thủy, bộ quan trọng nên người lạ rất khó bề tiếp cận các kho hàng hay các tuyến chở hàng mà không bị phát hiện. Người này nói, phần lớn đường được chở từ hướng Phnom Penh về, là đường Campuchia. Nhưng qua tới VN thì không còn dấu tích “đường ngoại" mà được chuyên chở với danh nghĩa là đường VN.
Khi thực hiện bài viết này, không ít lần chúng tôi gặp phải sự “chăm sóc” của những “người lạ”. Lúc chụp ảnh cảnh vận chuyển đường lậu tại xã Khánh An, chúng tôi lập tức bị một nhóm người truy đuổi, phải thoát hiểm bằng con đường vòng sát biên giới. Điều này cho thấy vì sao liên tiếp nhiều cán bộ chống buôn lậu bị cánh buôn lậu hành hung, trong đó có vụ cán bộ biên phòng bị đánh khi truy bắt buôn lậu vẫn chưa được xử lý tới nơi tới chốn. |
Việc sang bao được làm trong tích tắc trước khi đường được chuyển xuống xuồng nhỏ đưa qua VN.
Giao dịch trót lọt bằng tàu bè
Nhiều ngày lân la dọc theo hai bờ sông Bình Di và bắc sông Châu Đốc, trên 10 km chia đôi ranh giới một bên là tỉnh Can Dal (Campuchia), một bên là huyện An Phú (An Giang), chúng tôi đã nhiều lần mục kích những cuộc giao dịch hàng lậu trót lọt bằng tàu bè giữa hai bên.
Khúc sông cách trung tâm xã Khánh An chưa quá 2 km, đối diện với xã Pẹt Chạy, các chuyến ghe Campuchia chở đầy đường cứ thong thả xuôi dòng phía tả ngạn để sang đường cho ghe VN.
Được chỉ dẫn của một lính biên phòng Campuchia và bà con Việt kiều ở Pẹt Chạy, chúng tôi tiếp cận được các ghe này trong sự cảnh giác cao độ của cánh cửu vạn. Phía bờ sông thuộc Campuchia, chiếc ghe mang biển kiểm soát nước bạn K049 chở khẳm đường từ thượng nguồn chầm chậm cập bến. Như hẹn trước, từ bên kia sông phía VN, chiếc ghe không mang biển kiểm soát tức tốc vượt sông, cặp mạn ghe Campuchia. Để che chắn tầm mắt từ VN nhìn qua, một chiếc ghe khác lập tức chạy đến cặp mạn ngoài. Từ hướng Campuchia, chúng tôi chứng kiến cảnh các cửu vạn của hai ghe gấp rút chuyển hàng.
Khoảng 10 phút sau, khi đã no đường, ghe VN nổ máy vượt sông, lao nhanh về một kho chứa lớn nằm trên đất VN. Cứ thế, hết ghe Campuchia này đến ghe Campuchia khác chở đường xuôi từ thượng nguồn xuống, hết ghe VN này đến ghe VN khác vượt sông “ăn” đường chở về VN.
|
Không chỉ riêng tại khúc sông biên giới, tại các đoạn kinh cạn chạy qua vành đai biên giới, nối tỉnh Tà Keo với huyện Tịnh Biên và thị xã Châu Đốc, trong mùa nước rút đã hình thành những tuyến đường chở hàng lậu. Trên những “cung đường hàng lậu” này, nổi tiếng phải kể đến kinh Cây Dương nối trực tiếp với kho đường nằm trên đất Campuchia qua kinh Vĩnh Tế, đoạn thị trấn Tịnh Biên. Vận chuyển đường trên tuyến kinh này do một người tên R. đứng ra làm “bảo tiêu”. R. thuê các hộ dân có xuồng tại khu vực lân cận để chở đường. Đích thân R. cùng với những người khác lo đường dây cảnh giới tại các chốt và trước cửa các cơ quan chức năng chống buôn lậu.
Chiều 28.4, chúng tôi chứng kiến cảnh đội xuồng chở đường lậu của R. từ kinh Cây Dương chạy “sáng nước” ra kinh Vĩnh Tế, còn R. thì ngồi thong thả bên bờ kinh đối diện với Đồn Biên phòng Tịnh Biên.
Tương tự, con rạch Chắc Ri đổ ra xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc cũng được một tay cộm cán trong giới buôn lậu, có kho chứa ở đầu kinh Vĩnh Tế đứng ra tổ chức. Lực lượng cảnh giới cũng “chốt” tại đầu kinh, khi xuồng chở đường thoát ra sông lớn, trên đường bộ cũng có người chạy theo “hộ tống” về tới kho.
Đổi "lốt" đường ngoại
Trên thực tế, đường ngoại khi đến vành đai biên giới, trước khi vào VN thì đã biến thành... đường VN. Các con buôn đều chuẩn bị sẵn hóa đơn bán hàng của các nhà máy đường trong nước hay hóa đơn trong các đợt bán đấu giá hàng gian. Thậm chí, có những tay buôn lậu còn lận lưng sẵn giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan y tế VN cho... đường ngoại nhập lậu.
Anh V. (Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên), một người từng làm công ở đây cho biết, hiện nay nhiều chủ hàng con không màng đến việc sang bao đã in sẵn nhãn mác, mà cho đường ngoại vào bao trắng, gắn tem một cơ sở nào đó ở VN là xong. Cách này vừa ít tốn chi phí, vừa nhanh, lại tránh phiền phức khi bị truy tìm nguồn gốc.
Đường lậu tràn vào VN được tổ chức một cách khá hoàn chỉnh. Vì thế, cánh buôn lậu đã đưa một lượng đường, theo một cán bộ chống buôn lậu là lớn đến mức có thể chi phối giá đường trong nước. Bài toán chống đường lậu vẫn còn đang chờ "bàn tay thép" từ các cơ quan chức năng để bảo vệ ngành mía đường trong nước.
Sau một đêm mật phục, len lỏi qua các “chốt” cảnh giới của buôn lậu, lính đặc nhiệm Biên phòng An Giang vừa bắt quả tang 4 xe cải tiến, mỗi xe chở 50 bao đường vận chuyển từ bên kia biên giới Campuchia. Cùng thời điểm đó, lực lượng này cũng bắt một xe ô tô chở 183 bao đường, đang đậu chờ bên bờ nam kinh Vĩnh Tế thuộc VN, cách 4 chiếc xe cải tiến đang chở tới không xa. Có một trùng hợp: loại đường mà các xe cải tiến và xe ô tô bị bắt cùng thời điểm là giống nhau, được gắn nhãn mác nguồn gốc là đường cát trắng Bích Thuận, một doanh nghiệp ở thị trấn biên giới Tịnh Biên (An Giang). Các tài xế xe cải tiến khai chở đường thuê cho một người bên Campuchia. Điều vô lý giá đường tại Campuchia thời điểm này chỉ 600 ngàn đồng/bao 50 kg trong khi đường VN rẻ nhất 750 ngàn đồng/bao. Không chứng minh được nguồn gốc, số đường nhập lậu bị tịch thu. Nhưng đối với số đường trong ô tô bên bờ nam kinh Vĩnh Tế thì khác. Vì bắt trong địa phận VN, chủ hàng sau đó đưa ra hóa đơn mua hàng, lại có cả giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Trên bao bì nhãn mác lại có nguồn gốc VN. Cơ quan chức năng buộc phải trả lại hàng dù ai cũng biết thực sự số hàng này đến từ đâu. |
Tiến Trình
Bình luận (0)