Sản vật địa phương được bà con bày bán khá nhiều, từ nhành phong lan rừng cho đến mấy miếng sáp ong, ít mớ rau, vài lọn mía... Ngược thêm một đoạn đường dốc, từ đỉnh Tòng Đậu nhìn xuống Thung Khe, Mai Châu hiện ra với vẻ đẹp mơ màng. Tại đó có bản Văn, bản Lác của người Thái thật đẹp.
|
Đến Sơn La, ghé thăm di tích nhà tù Sơn La, nơi vẫn còn đó huyền thoại về cây đào Tô Hiệu của người chiến sĩ cộng sản. Rồi tới Yên Châu, nơi trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã xuất hiện những cô gái bản dùng súng thô sơ bắn đuổi những chiếc máy bay hiện đại, giữ yên bản làng.
Nhưng đặc biệt nhất là khi đi trên con đèo Pha Đin lịch sử, dài 32km. Con đường kéo pháo gian nan bậc nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ 55 năm trước nay đang được mở thêm một đoạn đường cắt, nhằm hạ thấp độ cao và rút ngắn 10 cây số.
Rồi đây, đường lên Điện Biên sẽ dễ dàng hơn, mảnh đất lịch sử này sẽ càng gần với miền xuôi. Ở Điện Biên, đi đâu cũng gặp di tích lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đây là đồi A1, kia là Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên với căn hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nọ là cụm tượng đài Chiến thắng… Cánh đồng Mường Thanh xanh tốt vẫn còn đó xác xe tăng, những cỗ pháo..., dấu tích của một thời đạn lửa.
Dọc quốc lộ 6 lên Điện Biên, nhà cửa đã dày lên, cao hơn, đan xen với những bản làng còn giữ lại những nếp nhà sàn. Cuộc sống của người dân Sơn La, Điện Biên đổi khác thật nhiều.
Theo Nam Việt / SGGP
Bình luận (0)