Trước thời điểm chính thức mở cửa đón khách đến tham quan, chụp ảnh, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, đơn vị tổ chức Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn (bao gồm không gian đường mai, phố ông đồ...), đã có một số chia sẻ với PV Thanh Niên.
Những nét mới ở "thiên đường sống ảo" năm nay
Thưa ông, người trẻ và du khách đang rất mong chờ không gian đường mai, phố ông đồ mở cửa để tới vui chơi, chụp hình dịp tết đến xuân về. Ông có thể thông tin về thời gian Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn chính thức khai mạc và đón khách?
Chiều 24.1, Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ khai mạc và mở cửa đón khách đến vui chơi, chụp hình; kéo dài đến 14.2 (tức mùng 5 tết). Trong đó, chương trình sẽ phân thành nhiều khoảng thời gian khác nhau: không gian lễ hội diễn ra từ 24.1 - 8.2 (tức đến hết 29 tháng chạp), sẽ hoạt động từ 8 - 22 giờ; ngày 30 tháng chạp nghỉ và tiếp tục đón khách vào mùng 1 cho đến hết mùng 5 tết, thời gian phục vụ từ 8 - 17 giờ.
Phố ông đồ hoạt động từ 24.1 - 8.2. Các chương trình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu thì diễn ra từ 24.1 - 7.2 (tức hết 28 tháng chạp).
Năm nào đường mai, phố ông đồ cũng mang đến những màu sắc rất riêng và thú vị. Vậy điểm mới của Lễ hội Tết Việt năm nay là gì, thưa ông?
Năm nay lễ hội có sự sắp đặt của nhiều không gian mang dấu ấn xưa và nay. Phố ông đồ được đầu tư công phu, bài bản cả về hình thức và nội dung hoạt động. Mỗi năm số lượng ông đồ trẻ đều tăng, năm trước khoảng 30 người, dự kiến năm nay tăng lên gần 50. Không những thế, năm nay có những gian hàng lên đến 4, 5 ông đồ trẻ (trước chỉ khoảng 1 - 2 người - PV) cùng ngồi cho chữ. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu khách hàng, vừa tạo nên điểm nhấn rất... trẻ cho hoạt động.
Đường mai năm nay cũng có nhiều nét mới. Đường mai chỉn chu hơn, cách sắp đặt cũng mới lạ với những gốc mai bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch (Q.1) trong một bố cục đẹp mắt, hài hòa cùng các gian hàng phố ông đồ. Ban tổ chức khéo léo lựa chọn những mảng gỗ pallet mộc mạc tạo thành không gian tương tác trong vườn mai. Tất cả được sắp đặt rất nghệ thuật, mang đến cảm giác mới lạ cho du khách khi bước lên những thanh gỗ ở vườn mai và thỏa sức tạo dáng chụp hình.
Bên cạnh vườn mai và phố ông đồ, với ý tưởng kết hợp nghệ thuật sắp đặt và trải nghiệm đa giác quan, khuôn viên chính trong Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ tái hiện những hình ảnh tết xưa, với cổng nhà ba gian, làng nghề, bếp củi... Vật liệu được sử dụng là các sản phẩm của làng nghề truyền thống như nón lá, mái ngói, gốm nung, củi gỗ, chiếu cói, chum vại… Khi đến với không gian Lễ hội Tết Việt, mọi người sẽ có cảm giác được trở về quê. Dù ở miền nào đi chăng nữa, mọi người đều sẽ thấy phảng phất hình bóng quê hương của mình tại không gian lễ hội.
Đặc biệt, các mô hình này đều có sự góp sức của những kiến trúc sư trẻ nên vừa tạo được dấu ấn xưa nhưng cũng rất hiện đại.
Chơi bài chòi Quảng Nam giữa lòng TP.HCM
Dấu ấn xưa nhưng vẫn rất hiện đại, cụ thể như thế nào, thưa ông?
Những cái xưa nhưng khi biết kết hợp, nghệ thuật hóa thì lại trở thành rất mới, hiện đại mà vẫn mang nét đẹp cổ xưa. Chẳng hạn những thanh củi dùng để nấu thì chúng tôi làm thành các bức tường củi, tương tác với gian bếp nấu bánh chưng, bánh tét ngày tết của người miền quê. Hoặc những bình gốm của làng Mang Thít (Vĩnh Long) được cách điệu hóa thành các bức tường nghệ thuật, kết hợp với những cây mai vàng tạo nên nét đặc sắc và cảm giác mới lạ. Hay những gian hàng chiếu cói, mặc dù vật liệu vẫn là truyền thống nhưng khi được cách điệu cũng tạo nên không gian rất trẻ trung và hiện đại để mọi người đến đây tương tác, chụp những bộ ảnh đón xuân…
Thưa ông, khi đến với đường mai, phố ông đồ, ngoài tham quan, vui chơi và chụp hình thì mọi người còn được trải nghiệm những hoạt động nào khác?
Làm nên không khí rộn ràng xuyên suốt lễ hội là các chương trình nghệ thuật đặc sắc và mới lạ. Mở đầu là chương trình nghệ thuật hát bội, sau đó đến đờn ca tài tử Nam bộ. Đặc biệt, năm nay chúng tôi mời nhóm hát bài chòi À Ơi Phố của Thành đoàn Hội An (Quảng Nam). Các bạn còn rất trẻ, đến với lễ hội để giới thiệu nghệ thuật hát bài chòi Trung bộ vào 2 đêm 27 và 28.1. Đây cũng là một nét mới của lễ hội.
Ngoài ra còn có chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc, ca múa nhạc, thời trang, live show của các ca sĩ.
Tại đây còn diễn ra các hoạt động chăm lo tết cho trẻ em cơ nhỡ, khó khăn; chương trình hỗ trợ sinh viên, công nhân về quê đón tết. Các bạn trẻ của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM năm nay cũng có hoạt động lì xì sách, cây xanh tại lễ hội…
Nắm bắt được nhu cầu của du khách, ban tổ chức bố trí 2 gian hàng cho thuê áo dài, các khu vực ăn uống, mua sắm… Chính vì thế, mọi người đến đây vừa được tham quan, chụp hình, vừa có thể ăn uống, vui chơi, thưởng thức nghệ thuật… để có cảm xúc về không khí ngày xuân trọn vẹn nhất.
Sự kỳ công để có được "thiên đường sống ảo", vui xuân đẹp "mê mệt" và nhiều điểm nhấn này là gì, thưa ông?
Từ tháng 9.2023, chúng tôi đã bắt đầu lên ý tưởng để thực hiện, sau đó phải đi nghiên cứu, tìm tòi nhiều chất liệu từ các làng nghề. Năm nay, sau khi lặn lội đến nhiều làng nghề ở miền Tây thì cuối cùng chúng tôi quyết định chọn gốm ở làng Mang Thít để tạo nên không gian tương tác, trải nghiệm thú vị cho người trẻ. Nhiều chất liệu cũng dễ tìm như nón lá, tuy nhiên làm thế nào để cách điệu hóa thành những sản phẩm nghệ thuật trong ngày tết mới là thách thức lớn.
Bên cạnh đó, vì năm nào đường mai và phố ông đồ cũng rất đông khách đến tham quan, chụp hình, nên để mọi người có được những trải nghiệm trọn vẹn nhất, chúng tôi cũng chuẩn bị lực lượng cộng tác viên để hướng dẫn, hỗ trợ khi cần. Ban tổ chức có đội ngũ bảo vệ, lao công giữ gìn sự ngăn nắp, sạch sẽ xuyên suốt lễ hội. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn mong muốn mọi người khi đến đây sẽ tự giác, ý thức để cùng giữ gìn không gian vui xuân, đón tết này.
Lễ hội Tết Việt nói chung và không gian đường mai, phố ông đồ nói riêng qua các năm luôn để lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi bạn trẻ và người dân. Năm nay, ông có những kỳ vọng gì?
Tôi kỳ vọng nơi đây sẽ là điểm đến trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ sắp xếp để làm sao các hoạt động nhân văn của bạn trẻ vẫn được diễn ra tại không gian Tết Việt này một cách ý nghĩa và chỉn chu.
Và chúng tôi cũng kỳ vọng đối với người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, khi đến đây sẽ nhớ về quê hương, về nơi mình sinh ra, nhưng vẫn khơi gợi được cảm xúc, trách nhiệm để chung tay phát triển TP.HCM.
Bình luận (0)