Đường Nguyễn Huệ chỉ nên 'đi bộ thời vụ'

07/04/2015 09:00 GMT+7

Trước quyết định lập phố đi bộ Nguyễn Huệ của UBND TP.HCM, đã có nhiều kiến trúc sư, chuyên gia thương mại đưa ra không ít phản biện về tính khoa học và hiệu quả của dự án này.

Trước quyết định lập phố đi bộ Nguyễn Huệ của UBND TP.HCM, đã có nhiều kiến trúc sư, chuyên gia thương mại đưa ra không ít phản biện về tính khoa học và hiệu quả của dự án này.

Đường Nguyễn Huệ chỉ nên 'đi bộ thời vụ'Đường Nguyễn Huệ đa số là cao ốc và khách sạn, khó tạo phố đi bộ hấp dẫn - Ảnh: Độc Lập
KTS Ngô Viết Nam Sơn tỏ ra không mặn mà với dự án phố đi bộ Nguyễn Huệ và cho rằng, TP.HCM đang muốn làm gấp để kịp lễ 30.4 nên không cân đo được tính hiệu quả về lâu dài của dự án. “Cách làm phố đi bộ trên tuyến đường Nguyễn Huệ có vẻ hơi giống phố đi bộ ở Thượng Hải, nhưng cấu trúc hai phố là hoàn toàn khác nhau nên ta không thể bắt chước bằng cách bê nguyên xi vậy được. Giống là về quy mô rộng, xuyên qua các tuyến đường khác. Nhưng chức năng hai phố là hoàn toàn khác nhau, phố đi bộ Nanjing ở Thượng Hải thuần thương mại và dịch vụ ở đây vô cùng phong phú, trong khi Nguyễn Huệ đa số cao ốc văn phòng và khách sạn”.
Thiếu nhiều yếu tố
Đặc biệt theo KTS Nam Sơn, phố đi bộ mà không có chỗ để xe thì hỏng. Hiện trục Nguyễn Huệ và Hàm Nghi nhà cao tầng nhiều, nhưng hầu như rất ít dự án có tầng hầm đậu xe. Thậm chí dự án có tầng hầm còn không phục vụ đủ xe trong tòa nhà đó thì làm sao giữ xe cho người đi bộ.
Dưới góc độ một người có cơ hội “đi đó đây” đến khoảng 40 quốc gia trên thế giới, ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty VietEuro, chia sẻ: “Nguyên tắc của một phố đi bộ là phải hội đủ các yếu tố: ít ảnh hưởng đến sự đi lại của du khách và dân cư tại đó. Chẳng hạn người dân tại đó không thể gửi xe qua đêm ở vị trí xa nhà, không thể kéo va li đi mấy quãng đường dài để về nhà, du khách đi bộ cả cây số mới đón được taxi… điều này rất bất tiện mà hiện nếu lập phố đi bộ hoàn toàn tại Nguyễn Huệ, chính người dân nơi đây sẽ bị ảnh hưởng”. Ông Lam nói thêm: “Ngoài ra, do phố Nguyễn Huệ tập trung nhiều văn phòng, cây xanh hiện không có, nếu các nhà làm ăn kinh doanh đến giao dịch tại các văn phòng này phải buộc họ đi bộ xa đón xe giữa cái nắng nóng xứ nhiệt đới này là vô cùng bất tiện”. Đặt vị trí của một nhà kinh doanh, ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn đầu tư, nhận xét: “Đường Nguyễn Huệ toàn cao ốc văn phòng, tôi đến khu vực này làm việc giao dịch thường xuyên. Với trời nóng khủng khiếp ngoài trời có lúc lên đến 40 độ như TP.HCM, tài xế bỏ tôi đầu đường đi bộ hàng trăm mét tới nơi làm việc đã thấy mệt”.
Vì vậy theo ông Trần, đường Nguyễn Huệ nên là phố đi bộ mang tính “thời vụ”, chẳng hạn cấm xe sau 6 giờ chiều để hạn chế kẹt xe khu vực trung tâm. KTS Nam Sơn cũng đề nghị Nguyễn Huệ nên đóng cửa buộc đi bộ vào các dịp lễ lớn, tết hoặc ngày cuối tuần. Những ngày trong tuần nên mở cửa để khách đi vì những lý do nói trên. Đặc biệt trong tuần phải mở cho xe taxi chạy, bởi đó là nhu cầu của chính người đi bộ.
KTS Nam Sơn cũng cho hay, tuyến đường Nguyễn Huệ hiện chưa hoàn chỉnh về dịch vụ lẫn cây xanh nên khó tạo độ hấp dẫn cho người đi bộ. Phía dưới đường Nguyễn Huệ nhất thiết phải có hệ thống hầm đậu xe, thương mại, kết nối với ga metro sau này, lúc đó Nguyễn Huệ mới nói đến chuyện đi bộ. Bởi đi bộ là để ăn uống, mua sắm chứ không phải chỉ để đi chơi không. “Trước mắt, đóng cửa Nguyễn Huệ là phố đi bộ vào dịp lễ hội, hội hoa, mít tinh…”.
Đường Nguyễn Huệ chỉ nên 'đi bộ thời vụ' 2Đường Bùi Viện được cho là phù hợp để phát triển phố đi bộ - Ảnh: Độc Lập
Nên chọn Đồng Khởi và Bùi Viện ?
Vậy để chọn một phố đi bộ phù hợp với hoàn cảnh TP.HCM hiện nay, tuyến phố nào thích hợp nhất? KTS Ngô Viết Nam Sơn nói ngay: “Về lâu dài nên xây dựng trục đường chính là Đồng Khởi và tiếp theo là phố Bùi Viện”. Theo ông, Đồng Khởi hội đủ các yếu tố của một phố đi bộ gồm nhiều cửa hàng mua sắm, trung tâm thương mại, cà phê, dịch vụ thư giãn, hai bên đường có cây xanh mát rất thân thiện với người đi bộ.
“Đoạn đường Đồng Khởi từ Nhà hát Thành phố đến Bạch Đằng là đẹp nhất để làm phố đi bộ thí điểm. Kế tiếp là tuyến Bùi Viện. Cả hai tuyến đường này sẽ bổ sung cho Nguyễn Huệ sau này, khi hệ thống nhà ga metro hoàn chỉnh, cây xanh kịp mọc, lúc đó, phố đi bộ ở đây vẫn chưa muộn”, KTS Sơn phân tích.
Còn theo ông Lâm, đường Bùi Viện hiện đã có thể coi như đường đi bộ rồi nhưng đang “lôm côm” và nguy hiểm cho người đi bộ. Nếu ngăn đoạn đường từ Phạm Ngũ Lão đến đường Bùi Viện và ngăn từ đầu đường Bùi Viện đến Đỗ Quang Đẩu sẽ tạo khu vực liên thông cho tuyến đi bộ phục vụ nhu cầu rất lớn của khách du lịch. Đặc biệt khoảng thời gian từ 18 - 24 giờ đêm, cấm không cho xe đi vào các hẻm, mở rộng thêm lề đường và chỉ cho đi xe một chiều với vận tốc 5 km/giờ nếu chưa thể cấm xe hoàn toàn... Sau này, quy hoạch tốt khu công viên gần đó, làm cầu vượt hoặc đường hầm cho người đi bộ qua đường, hoặc ngăn đoạn tiếp giáp Đề Thám trên đường Phạm Ngũ Lão, thiết kế bãi xe buýt thật rộng đẹp ở công viên gần đó, sẽ tạo khu phố đi bộ không thua khu Patpong ở Thái Lan. Khu vực này nếu làm phố đi bộ, có sẵn nhiều hạ tầng cần thiết và gần gũi với không gian văn hóa Á châu nhất”, ông Lâm chia sẻ.
Một chuyên gia quy hoạch của TP.HCM đề nghị không nêu tên cũng cho biết, thực tế, tuyến phố đi bộ Bùi Viện đã được quy hoạch từ 10 năm trước, nhưng không hiểu tại sao đến nay vẫn chưa thực hiện được. Khu vực phố Tây này hiện đang “gánh” lượng phương tiện đi lại quá nhiều, gây nguy hiểm cho du khách và còn nhếch nhác quá. KTS Nam Sơn đề nghị, nên cải tạo lòng lề đường Bùi Viện, bớt lộn xộn và làm bãi giữ xe hai đầu tốt phục vụ khách và cư dân tại đó. “Một trong những điều kiện làm phố đi bộ là đường không cần rộng quá, nhưng hai bên đường có các dịch vụ tiện ích phục vụ du khách như ăn uống, vui chơi, mua sắm từ cao cấp đến thấp cấp. Thậm chí người ta có thể ngồi bệt trên đường vui chơi. Với tiêu chí giản dị đó, Bùi Viện đáp ứng nhu cầu”, KTS Sơn đề xuất.
Các yếu tố an toàn, tiện lợi, không khí trong lành thoáng mát, nhiều thứ để xem, giải trí và thư giãn tốt, lại không gây ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân nơi đây là những yếu tố then chốt để lập nên phố đi bộ. TP.HCM có thể tham khảo cách làm các khu đi bộ tại các nước. Chẳng hạn cổ kính như Dubrovnik (Nam Tư cũ), nhộn nhịp như Piccadilly (London), mua sắm thỏa thích tại Zeil (Frankfurt am Main) hoặc ăn uống, thưởng lãm tranh ở Quartier Latin (Paris) hoặc khu dọc bờ sông ở Singapore). Khu phố sách ở Budapest (Hungary), Roma (Ý), Patpong (Thái Lan), phố đi bộ dọc kênh ở Amsterdam (Hà Lan) hay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)... Tất cả những phố đi bộ này đều có những tuyến đường liên kết ngắn, như những chiếc xương cá trên bộ xương cá. Rất dễ đi và kết nối dịch vụ hầu như hoàn hảo.
Ông Nguyễn Thanh Lâm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.