Thời tiết ở Paris đang chuyển sang mùa xuân và cây cối bắt đầu nở hoa, nắng vàng rất đẹp... Tôi thầm mỉm cười vì hình dung ở trời u xa xăm kia, có một nhà khoa học tiếng tăm đang dành cho riêng mình vài phút giây thảnh thơi quý giá để nhìn ngắm thiên nhiên chuyển mình trong phút giao mùa.
Nhắc đến anh, bạn bè hình dung đến một gương mặt phúc hậu với đôi kiếng cận mà nhìn xuyên qua đó, người ta có thể cảm nhận được tâm hồn cởi mở, niềm say mê sống, làm việc cuồng nhiệt của một người luôn tâm nguyện cống hiến suốt đời cho khoa học. Và thêm một điều khá thú vị: ngoài thời gian giam mình trong phòng thí nghiệm hay đứng trên bục giảng, Vũ còn là cây DJ có tiếng trong các party của giới sinh viên ở Paris.
Sài Gòn - Paris: Những chặng đường kỷ niệm
Bây giờ ngồi nhìn lại chặng đường đến với khoa học, Vũ không thể kiềm được xúc động khi nhớ đến các người thầy của mình. Khi còn ở Sài Gòn, anh từng theo học tại trường Petrus Ký/Lê Hồng Phong, đây là nơi trang bị cho anh căn bản về tư duy khoa học. Những bài giảng của thầy Cam Duy Lễ đã khai sáng Vũ về vẻ đẹp của logic và sự sáng tạo trong toán học. Và anh đã chọn khoa học làm người bạn đồng hành của đời mình từ dạo ấy.
Đến Pháp đầu thập niên 1980, Dương Nguyên Vũ được nhận vào học đồng thời tại trường Kiến trúc thuộc Học viện Quốc gia Mỹ thuật (Ecole Nationale des Beaux-Arts) và trường Quốc gia Cầu cống (Ecole Nationale des Ponts et Chaussees) thuộc Viện Công nghệ Paris (Paris Institute of Technology). Năm 1990, Vũ bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ với đề tài liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo dưới sự dẫn dắt của GS Jacques Rilling, người mà Vũ rất kính trọng. Anh thổ lộ: "Tôi học được ở thầy Rilling sự say mê và sự tận tâm với các sinh viên của mình. Đó cũng chính là cách thức làm việc của tôi với các sinh viên sau này". Ít lâu sau, Dương Nguyên Vũ vào làm việc tại trung tâm nghiên cứu khoa học máy tính của Tập đoàn Schlumberger. Từ cuối năm 1995, anh về làm việc cho Eurocontrol. 4 năm sau, Vũ được đề bạt vào chức vụ lãnh đạo phòng nghiên cứu đổi mới Innovative Research, chịu trách nhiệm trên toàn vùng châu u.
|
Tâm huyết của một người thầy
Anh Trần Đắc Huy, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại EPHE (Ecole Pratique des Hautes Etudes) trường Đại học Sorbonne, Paris nói về người thầy cũ của mình với tất cả sự biết ơn: "Thầy Vũ thực sự là một người thầy tận tâm với học trò. Ngoài việc truyền đạt tri thức, thầy còn chia sẻ với chúng tôi những khó khăn trong cuộc sống".
Từ năm 1997, Vũ dành một phần tư thời gian làm việc trong năm
Dương Nguyên Vũ là một chuyên gia CNTT nổi tiếng trong giới hàng không thế giới. Anh hiện là Cố vấn khoa học cấp cao kiêm Chủ nhiệm hội đồng khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu về không lưu của châu u - EUROCONTROL (European Organization for the Safety of Air Navigation), bao gồm 37 quốc gia thành viên. Ngoài ra, Vũ hiện giảng dạy tại trường EPHE Sorbonne ở Paris và là giám đốc của phòng thí nghiệm Complex System Modeling & Cognition tại trường này. Hiện Dương Nguyên Vũ đang theo đuổi các đề tài ứng dụng của toán tối ưu trong dự đoán lịch trình bay và công trình về đường bay tự kiểm soát (Autonomous Aircraft Operations) sẽ đi vào ứng dụng thực tiễn tại châu u và châu Mỹ trong thập niên tới. |
Mong muốn Việt Nam thành một trung tâm hội nghị khoa học quốc tế
Theo GS Dương Nguyên Vũ, trên thực tế trường đại học ở ta đa phần vẫn chú tâm vào đào tạo chứ không đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Anh tin rằng có một biện pháp để giảm thiểu chi phí giúp cho các sinh viên, nhà khoa học Việt Nam có điều kiện tiếp cận với xu hướng nghiên cứu khoa học tiên tiến: Đó là thông qua các hội nghị khoa học quốc tế tổ chức ngay tại Việt Nam. Vì thế, bắt đầu từ năm 2003 đến nay, Vũ và các đồng nghiệp, học trò của mình tham gia tổ chức RIVF - Hội nghị quốc tế về Công nghệ thông tin và truyền thông diễn ra hằng năm tại các trường đại học lớn ở Việt Nam.
Đầu tháng 3.2007 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, hội nghị RIVF đã quy tụ 77 nhà khoa học uy tín trên thế giới tham gia ban chương trình để sàng lọc 151 bài viết gửi về từ 23 nước trên thế giới. Đây cũng là dịp diễn ra các buổi giảng chuyên đề do các giáo sư quốc tế đứng lớp và hội nghị dành cho nghiên cứu sinh Việt Nam. Theo giáo sư Dương Nguyên Vũ, nếu mô hình RIVF được nhân rộng, các nhà khoa học của ta sẽ được giảm bớt gánh nặng tài chính bởi họ không phải lo lắng về khoản chi phí đi nước ngoài để tham dự những hội nghị quốc tế.
Quỳnh Như
Bình luận (0)