Đường nông thôn mới vừa làm đã hỏng

09/04/2016 19:40 GMT+7

Nhiều tuyến đường bê tông “nông thôn mới” được xây dựng theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm ở Nghệ An vừa hoàn thành đã bong lở, vỡ vụn như cám.

Nhiều tuyến đường bê tông “nông thôn mới” được xây dựng theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm ở Nghệ An vừa hoàn thành đã bong lở, vỡ vụn như cám.

Sau 3 tháng đưa vào sử dụng, mặt đường bê tông ở xã Bồng Khê (H.Con Cuông) đã bị bong tróc - Ảnh:Khánh HoanSau 3 tháng đưa vào sử dụng, mặt đường bê tông ở xã Bồng Khê (H.Con Cuông) đã bị bong tróc - Ảnh:Khánh Hoan
Ngày 7.4, ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Nghệ An cho biết, cơ quan chức năng vừa lấy mẫu kiểm định chất lượng xi măng khiến nhiều tuyến đường bê tông theo chương trình “Nông thôn mới” vừa hoàn thành đã bị hư hỏng.
Theo ông Lâm, hiện có 3 xã (Bồng Khê, H.Con Cuông; Nghi Trường, H.Nghi Lộc; Nam Kim, H.Nam Đàn) phản ánh về việc đường bê tông hoàn thành cuối năm 2014 và đầu năm 2016 được xây dựng bằng xi măng Vicem Hoàng Mai (bên ngoài bao bì có ghi dòng chữ “Chung tay xây dựng nông thôn mới”) có độ kết dính rất kém, khiến mặt đường bị bong tróc. Các con đường này do người dân góp tiền để mua cát, sạn và tiền nhân công, nhà nước hỗ trợ xi măng.
“Các xã được cung ứng 2 loại xi măng là Vicem Hoàng Mai và xi măng Sông Lam. Theo phản của người dân, những đoạn đường sử dụng xi măng Sông Lam không có vấn đề gì, nhưng đường sử dụng xi măng Hoàng Mai thì độ đông kết kém”, ông Lâm nói, và cho biết, năm 2015 cũng có 3 xã khác phản ánh tình trạng tương tự.
Tại xã Bồng Khê (H.Con Cuông), theo ghi nhận của PV Thanh Niên, 6 tuyến đường dài 1.433 m, rộng 3,5 m do người dân đóng góp hơn nửa tỉ đồng được đổ bê tông từ đầu năm 2016, sau khoảng 3 tháng sử dụng, mặt đường đã bị sủi, bong tróc, dùng vật cứng cạo vào mặt đường thì cát và bột bê tông sủi lên như cám. Ông Hồ Minh Dũng, xóm trưởng xóm Tân Dân cho biết, để làm con đường này, mỗi hộ dân phải đóng 2,8 triệu đồng.
“Chúng tôi cử người giám sát rất cẩn thận, thi công đúng kỹ thuật như hướng dẫn của huyện. Đổ xong được 3 ngày, bê tông vẫn chưa đông kết. Sau đó nhiều ngày, mặt đường có cứng nhưng lấy chổi quét thì cát cứ sủi lên”, ông Dũng nói.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Bồng Khê Nguyễn Mạnh Thắng, trong số 515 tấn xi măng do huyện cung ứng về cho xã để làm đường, có hơn 300 tấn xi măng Vicem Hoàng Mai. “Những đoạn đường dùng xi măng Hoàng Mai đều bị sủi, độ kết dính kém còn loại xi măng khác thì đạt yêu cầu. Chúng tôi nghi ngờ chất lượng xi măng có vấn đề nên đã gửi mẫu lên tỉnh giám định và có phương án khắc phục cho dân”, ông Thắng nói.
Ông Vi Lưu Bình, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nghệ An cho biết, nếu do chất lượng xi măng không đạt, nhà máy phải có trách nhiệm bồi thường cho dân cả xi măng lẫn cát, sạn và tiền công để làm lại đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.