Đường phố hầm hập những ngày cận tết

25/01/2024 06:36 GMT+7

Chỉ còn 2 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên người người tất bật, nhà nhà tất bật, hàng hóa cũng tất bật lưu thông khiến đường phố những ngày cuối năm luôn hầm hập.

Không còn giờ cao điểm vì lúc nào cũng ùn ứ

Đặt xe công nghệ từ nhà ở xã Phước Kiển, H.Nhà Bè (TP.HCM) lúc 9 giờ sáng 23.1, chị Dương Nghi nghĩ rằng 9 giờ 30 sẽ có mặt tại cơ quan ở Q.3, cộng dôi dư thêm gần 10 phút so với thời gian hành trình dự kiến hiển thị trên ứng dụng. Lúc này, tài xế được thông báo đã gần đến nơi, chỉ còn cách nhà chị Nghi khoảng 4 phút. Thế nhưng, chờ mòn mỏi đến 9 giờ 10, tài xế vẫn chưa tới, theo dõi trên điện thoại thì thấy chiếc xe gần như không nhúc nhích.

Sốt ruột, chị Dương Nghi liên hệ với tài xế thì được thông tin xe đã đến gần chỗ vòng xoay trước cao ốc PV Gas Tower, chỉ còn cách điểm đón khoảng 200 m nhưng đường quá đông và đã chờ qua 4 lần đèn xanh mà vẫn chưa thoát khỏi vòng xoay. Gần 9 giờ 20, bác tài mới xuất hiện và cũng vội vàng không kém khách vì 10 giờ có hẹn đón khách khác ở Q.1.

Đường phố hầm hập những ngày cận tết- Ảnh 1.

Kẹt xe giao lộ đường Trường Chinh - Âu Cơ (Q.Tân Bình, TP.HCM)

NHẬT THỊNH

Đường trở ra đoạn khu vực vòng xoay, bức tranh giao thông trở nên hỗn loạn. Xe bồn, xe tải, xe con chia nhau dàn hết 2 làn đường, kéo dài từ đoạn giao với đường Đông - Tây (xã Phước Kiển, Nhà Bè) tới cầu Rạch Đĩa 2. 60 giây đèn xanh không đủ cho 4 chiếc ô tô qua được đường vì cứ xe nọ chèn xe kia, không ai chịu nhường ai. Mọi khi, khu vực này từ sáng sớm đã có lực lượng CSGT hỗ trợ điều tiết nhưng gần đây không thấy nên tình trạng càng thêm tán loạn. Xe máy len lỏi "điền vào chỗ trống", leo lên cả phần vỉa hè chỉ rộng khoảng 1 m dành cho người đi bộ trên cầu Rạch Đĩa 2. Hàng ngàn xe nối đuôi nhau nhích từng chút, mãi mới thoát được nỗi ám ảnh cầu Rạch Đĩa 2, để nhập vào "kiếp nạn" vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Nhìn thấy hàng xe kẹt cứng phía trên, bác tài chủ động "né" qua đường Lê Văn Lương, hướng ra Nguyễn Thị Thập rồi nhập tiếp vào đường Nguyễn Hữu Thọ tại siêu thị Lotte (Q.7) nhưng cũng không thoát. Công tơ mét vừa kịp nhích lên tốc độ 40 km/giờ chưa được 5 phút thì lại tới ngay "cây cầu huyền thoại" Kênh Tẻ. Cứ hết đoạn ùn này nối tiếp đoạn ứ kia, hơn 10 giờ 10, chị Dương Nghi mới tới được cơ quan, còn bác tài phải vội vàng báo khách đón trễ 30 phút. "Đã cố tình né giờ cao điểm, tới 9 giờ mới đi mà vẫn không né nổi. Chiều tôi đi làm về cũng vậy, mọi khi phải từ 17 giờ mới bắt đầu đông xe nhưng mấy nay về sớm 16 giờ hay chờ trễ hẳn 20 giờ mới về thì cũng vẫn phải xếp hàng trên đường như thường. Tết nhất mọi người đi lại đông nên đường nào cũng kẹt, giờ nào cũng ùn", chị Nghi lắc đầu ngao ngán.

Đường phố hầm hập những ngày cận tết- Ảnh 2.

Kẹt xe khu vực đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình)

NHẬT THỊNH

Tương tự, mới 7 giờ sáng, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nối dài Nguyễn Văn Trỗi từ trung tâm thành phố ra tới khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất đã hầm hập xe cộ. Dù tuyến đường khá rộng nhưng ở cả hai chiều, ô tô đều phải lấn sang hết làn cho xe máy, xe máy thì len vào từng khoảng hở của làn ô tô, mới có thể di chuyển cho kịp giờ. Khu ngoại ô đường Trường Chinh, Cộng Hòa, ngã tư Hàng Xanh... từ sáng sớm đã ngột ngạt khói bụi, kẹt xe dưới cái nắng như đổ lửa những ngày Sài Gòn đầu mùa khô. Không chỉ khu vực cửa ngõ, hàng loạt tuyến đường trung tâm như đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1)… kéo ra tới khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3)… từ sáng đến chiều, lúc nào cũng hiển thị màu vàng và đỏ trên bản đồ, lưu ý các tài xế về tình trạng xe đông, di chuyển chậm.

Cũng bởi lượng phương tiện tăng cao nên chỉ cần một sự cố nhỏ trong thời gian ngắn cũng đủ gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng cho cả khu vực. Đơn cử, xe cẩu phục vụ thi công dầm cầu tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) gặp sự cố đêm 21, rạng sáng 22.1 khiến đơn vị thi công chậm trả mặt đường vào sáng hôm sau đã biến cả cầu Rạch Chiếc thành "bãi đậu xe khổng lồ" ngay giờ cao điểm sáng 22.1. Dù lực lượng CSGT đã nhanh chóng có mặt điều tiết từ sáng sớm nhưng dòng xe nối đuôi nhau hàng ki lô mét cũng phải mất vài giờ đồng hồ mới được giải tỏa.

Thu gọn tối đa rào chắn, lô cốt

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết tính đến tháng 12.2023, TP.HCM quản lý gần 9,2 triệu phương tiện, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng ô tô có gần 934.500 xe và mô tô là gần 8,3 triệu xe. Với tốc độ tăng trưởng phương tiện như hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông bị quá tải, vượt năng lực thông hành. Đặc biệt, thời điểm hiện tại chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, người ở lại TP ăn tết thì phải đi mua sắm đồ đạc, người về quê cũng phải đi mua quà, sắm đồ.

Vì thế, các tuyến đường dẫn vào trung tâm thương mại hay siêu thị, các đại lý hàng hóa lớn thường xuyên xuất hiện ùn ứ. Cùng với đó, các cơ quan, công ty, doanh nghiệp đồng loạt tổ chức tiệc tất niên, họp mặt cuối năm nên mọi người ra đường nhiều hơn vào giờ trưa và chập tối. Phía cửa ngõ, việc vận chuyển hàng hóa, kinh doanh buôn bán phục vụ tết cũng tăng lên. Chưa kể, giai đoạn này, TP đang triển khai xây dựng những dự án lớn, trọng điểm tại một số khu vực cửa ngõ, diện tích chiếm dụng mặt bằng khá lớn nên cũng ít nhiều ảnh hưởng tới di chuyển của người dân.

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, Sở GTVT TP.HCM đã chủ động phối hợp với lực lượng CSGT, dân phòng tăng cường trực chốt tại các điểm giao cắt, các tuyến đường thường xuyên ùn ứ để giúp phân làn, phân luồng cho người dân. Đồng thời, công bố danh mục các tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công đào đường trong năm 2024 do đơn vị này quản lý. Song song, Sở cũng đề nghị các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có nhu cầu thi công trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn khẩn trương cung cấp cho Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị kế hoạch, phương án tổ chức thi công đối với các công trình tiếp tục duy trì rào chắn trong dịp tết.

Đối với các công trình có rào chắn chiếm dụng mặt đường, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án được yêu cầu vệ sinh hằng ngày khu vực công trường, không để rác, bụi, đất đá trên đường; sửa chữa, thay mới hàng rào, biển thông tin công trình, biển báo giao thông đã cũ, mờ, rách nát, hư hỏng; thảm nhựa, sơn đường, đảm bảo an toàn cho người bộ hành và đảm bảo giao thông các vị trí đã tiếp nhận mặt bằng thi công từ cơ quan quản lý đường bộ.

Trước ngày 2.2 (23 tháng chạp), chủ đầu tư các dự án phải thu gọn hàng rào công trường theo đúng kích thước cho phép; sửa chữa, thay thế hàng rào, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, không được rào chắn chỉ để tập kết vật tư theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân trong dịp tết. Đối với các vị trí rào chắn tháo dỡ trước 2.2, phải dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ khu vực công trường, tái lập lại toàn bộ các đoạn đường đang thi công đảm bảo an toàn, êm thuận, mỹ quan.

Sở GTVT TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.