Đường sách TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình (Q.1) chỉ còn 1 tháng chạy nước rút để kịp khai trương vào ngày 19.12.
Phối cảnh đường sách Nguyễn Văn Bình - Ảnh: BTC |
Không ít người đoán già đoán non về hình ảnh của đường sách Nguyễn Văn Bình trong tương lai. Liệu nó có trở thành chợ lẻ, bán giá sỉ như Đinh Lễ (Hà Nội), hay một phố sách Đặng Thị Nhu thứ hai thời thập niên 1980 với các hoạt động mua bán trao đổi sách?
Định hướng gu đọc
Trong cuộc họp của ban tổ chức với 21 đơn vị tham gia đường sách chiều 19.11, nhiều đơn vị xuất bản đã nhất trí rằng đường sách Nguyễn Văn Bình không chỉ nhằm giới thiệu thương hiệu, quảng bá và bán sách, mà điều cốt yếu nhất là đưa sách đến gần độc giả qua nhiều chuỗi hoạt động có ý nghĩa liên quan tới sách.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty sách First News, góp ý: “Điều quan trọng là làm sao để đường sách Nguyễn Văn Bình trở nên trường tồn, mang nét nghệ thuật, mỹ thuật như phố đi bộ Nguyễn Huệ; trở thành biểu tượng văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, một nét văn hóa đặc biệt của TP.HCM đón chào xuân 2016; được các tỉnh thành cả nước học tập, để người dân TP và mọi du khách phải trầm trồ ghé thăm. Đó mới chính là điều mà chúng ta cần hướng tới”.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, hiến kế: “Đường sách không chỉ là nơi bán sách, giao lưu tác giả, tổ chức các hoạt động về sách, mà còn là chỗ giao dịch bản quyền sách. Thậm chí, cần có chỗ đóng sách và hướng dẫn cách bảo quản sách cho người dân. Đường sách Nguyễn Văn Bình sẽ thành công và bền vững lâu dài nếu kết hợp được mô hình của cả hai đường sách Đinh Lễ với Đặng Thị Nhu”.
Cũng theo ông Nhựt, đường sách sẽ trở thành một nơi tiêu biểu để định hướng gu đọc cho người dân TP, đồng thời cũng là hàn thử biểu cho các đơn vị xuất bản cả nước định hướng sản xuất ra các dòng sách phục vụ cho độc giả TP và cả nước với tầm nhìn xa 20, 30 năm tới, nhằm nâng cao dân trí người đọc.
Theo ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh phía nam NXB Kim Đồng, đường sách cần tổ chức thêm CLB thư pháp, nhiều cuộc thi vẽ bìa để khuyến khích các họa sĩ trẻ và thu hút thêm người xem. Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết việc xây dựng đường sách Nguyễn Văn Bình dựa trên tiêu chí phấn đấu trở thành một điểm đến văn hóa với tri thức hội tụ, là niềm tự hào của người dân TP.HCM, thu hút đông đảo cả người dân Việt và du khách quốc tế.
Nên bán thêm buổi tối
Các đơn vị xuất bản tham gia làm đường sách nhất trí cho rằng ngoài việc nỗ lực giới thiệu các sản phẩm hay và chất lượng của đơn vị, khẳng định thương hiệu, thì việc chung tay góp nên một thương hiệu chung cho đường sách Nguyễn Văn Bình là rất cần thiết. Ý tưởng thành lập website, trang mạng xã hội về đường sách để cập nhật thông tin nhanh đến với độc giả được nhiều đơn vị hưởng ứng.
Theo nhà văn, đạo diễn Lê Hoàng thì: “Việc xây dựng đường sách Nguyễn Văn Bình là quá hay, quá tốt. Tôi chỉ e ngại là con đường này hơi khuất, cần bán thêm buổi tối cho rôm rả. Đường sách cần được xây dựng thành một tụ điểm văn hóa với sân khấu ngoài trời và nhiều hoạt động văn hóa giải trí để thu hút người xem”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc đưa ý kiến: “Đường sách sẽ là một nét sinh hoạt mới cho người dân TP, là dấu ấn văn hóa đáng ghi nhận. Việc đường sách đặt ở Nguyễn Văn Bình, Q.1 sẽ có những thuận lợi về địa lý, khiến du khách thuận lợi hơn trong việc thưởng thức văn hóa du lịch của TP. Tuy nhiên, tôi cũng mong nếu đường sách thành công thì cần được nhân rộng hơn ở các quận, huyện để văn hóa đọc được lan tỏa rộng hơn”.
Các đơn vị tham gia đều nhất trí ưu tiên sử dụng các bao bì thân thiện, hòa đồng với môi trường. Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, Phó trưởng ban điều hành đường sách, đường sách sẽ đặt vấn đề an ninh trật tự và giữ gìn vệ sinh chung lên hàng đầu. Việc vi phạm các quy định chung của ban quản lý về vấn đề này sẽ bị chế tài theo quy định. “Làm sao để mọi người dân đều vui vẻ, phấn khởi và an toàn khi tới đường sách”, ông Lê Hoàng nói.
Lễ khởi công đường sách Nguyễn Văn Bình, do Sở TT-TT TP.HCM phối hợp Hội Xuất bản VN - Văn phòng phía nam tại TP.HCM thực hiện, diễn ra sáng 15.10, dự tính khai trương chính thức vào ngày 19.12. Công trình nằm trên con đường dài 144 m, lòng đường rộng 8 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, đánh dấu kết quả và nỗ lực của giới xuất bản Việt với mong muốn thêm một không gian mới dành cho độc giả, góp phần tích cực cho bộ mặt văn hóa - du lịch của TP.HCM.
Đường sách sẽ bao gồm 20 gian hàng với thiết kế đồng bộ, cùng khu vực cà phê sách và tổ chức sự kiện hoạt động liên quan tới sách vở. Dự kiến sách bán tại đây được giảm đồng đều 10% và chỉ giảm giá mạnh vào ngày quy định trong tuần.
|
Bình luận (0)