Đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải ưu tiên chở khách

20/02/2024 10:46 GMT+7

Đó là nội dung chỉ đạo nằm trong thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải ưu tiên chở khách- Ảnh 1.

Bộ GTVT đang triển khai cập nhật điều chỉnh đề án chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Phải hài hòa với các phương thức giao thông khác

Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan, khẩn trương hoàn thiện đề án. Trong đó, lưu ý quan điểm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm yếu tố hiện đại, đồng bộ, bền vững. Quan trọng nhất, phải đặt trong tổng thể phát triển quy hoạch, dự báo chiến lược về nhu cầu của cả 5 phương thức giao thông gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa trong dài hạn.

Từ việc phân tích lợi thế của từng phương thức, cần làm rõ ưu điểm của vận tải đường sắt tốc độ cao là tập trung vào vận chuyển hành khách, tương hỗ với vận tải hàng không, chỉ vận chuyển hàng hóa trong trường hợp cần thiết. Vận chuyển hàng hóa sẽ chủ yếu tập trung vào hệ thống đường sắt hiện tại, đường hàng hải, vận tải thủy ven bờ và đường bộ. Trên cơ sở đó, đánh giá, giải trình thuyết phục việc đề xuất phương án đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT được giao nghiên cứu việc mở rộng phạm vi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thêm đoạn tuyến TP.HCM - Cần Thơ.

Về kịch bản đầu tư, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp nhất (so sánh phương án đồng thời vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; phương án chỉ vận tải hành khách). Hướng tuyến phải đảm bảo thẳng nhất có thể, đồng thời tạo không gian mới. Nghiên cứu thêm việc giảm số lượng ga để giảm chi phí.

Cùng với đó, có giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách theo đúng tinh thần Kết luận số 49-KL/TW; tập trung hoàn thiện thể chế, trong đó bao gồm luật Đường sắt sửa đổi, quy định về đường sắt tốc độ cao; cơ chế huy động nguồn lực (ngân sách nhà nước là chính nhưng cần tổng hợp các nguồn lực với việc kết hợp nguồn thu từ giá trị gia tăng phát triển đô thị, kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe...); cơ chế giải phóng mặt bằng, khai thác mỏ nguyên vật liệu...; tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bảo đảm năng lực thực hiện quản lý, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải ưu tiên chở khách- Ảnh 2.

Xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc kỳ vọng mang đến đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam

NGỌC THẮNG


2 kịch bản đã được xây dựng

Theo đề án mà Bộ GTVT đang nghiên cứu xây dựng, có 2 kịch bản đường sắt cao tốc ưu tiên chở khách. Cụ thể, kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỉ USD.

Đơn vị tư vấn đánh giá ưu điểm của kịch bản này là giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp hơn 2 phương án còn lại. Song, không có khả năng tăng công suất nếu nhu cầu vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắt hiện hữu quá tải.

Kịch bản 2 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD. Trường hợp đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác thêm tàu hàng trên tuyến này thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.

Với kịch bản này, đường sắt Bắc - Nam sẽ được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Ngoài ra, cần mua sắm 74 đoàn tàu động lực phân tán, với 1.184 toa xe, năng lực chạy tàu đáp ứng 175 đôi tàu/ngày đêm (đường sắt tốc độ cao 150 đôi tàu, đường sắt hiện hữu 25 đôi tàu), vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách/năm và 20 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đơn vị tư vấn đánh giá ưu điểm của kịch bản 3 là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác. Phương án này còn giúp tuyến đường sắt mới có khả năng vận tải hàng hóa trong trường hợp năng lực của tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu quá tải. Song, nhược điểm là chi phí đầu tư cao, chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng lớn làm giảm năng lực thông qua.

Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thành lập Tổ công tác triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng; Bộ trưởng Bộ GTVT làm Tổ phó; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo làm thành viên. Tổ công tác có quy chế làm việc, dự kiến 1 tháng họp 1 lần để kịp thời xử lý, thúc đẩy công tác chuẩn bị, thực hiện dự án.

"Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ kinh nghiệm trong ngành đường sắt về nhiều phương án để lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3; Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024" - Thường trực Chính phủ chỉ đạo.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.