Quý 1/2024, báo cáo tài chính của 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đều báo lãi so với kế hoạch đề ra. Trong đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đạt doanh thu hơn 710 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023 cũng là mức cao nhất gần 9 năm qua. Năm 2023, Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) cũng đạt lợi nhuận sau thuế 94,8 tỉ đồng, thoát lỗ sau 3 năm liên tiếp nhờ hàng loạt thay đổi về chất lượng dịch vụ.
Dự kiến trong năm nay, 2 công ty vận tải đường sắt sẽ sáp nhập làm một theo đề án tái cơ cấu VNR. Tổng giám đốc VNR Hoàng Gia Khánh cho biết, việc tái cơ cấu của VNR, trong đó có sáp nhập 2 Công ty CP Vận tải Hà Nội và Sài Gòn, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và phê duyệt. "Việc sáp nhập chắc chắn sẽ mang hiệu quả tích cực hơn, giảm cạnh tranh triệt tiêu nội ngành, đặc biệt có thể sử dụng toàn bộ nguồn lực của 2 đơn vị, không lãng phí nguồn lực, tiết kiệm được nhiều chi phí trong vận chuyển xe 2 chiều. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập người lao động, mà còn giải quyết vấn đề tái đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ của khách hàng", ông Khánh nói.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV VNR, khi ngành đường sắt làm tốt, hành khách sẽ tự tìm đến. Tương tự trong hợp tác với các địa phương, ngành đường sắt sẽ đưa ra bài toán có lợi cho cả 2 phía. Đơn cử như khi khai trương tàu kết nối di sản Huế - Đà Nẵng tháng 3.2024, VNR đã kết hợp với cả 2 địa phương để kích cầu du lịch, không chỉ vận chuyển khách mà là hành trình ăn nghỉ ở đâu, trải nghiệm gì... Hành khách mua vé tàu sẽ được hưởng hàng chục tiện ích đi kèm như giảm giá vé tham quan Đại Nội (TP.Huế)…
Để tạo dấu ấn riêng, ngành đường sắt đang phát triển hướng đi "ngách", định vị hình ảnh riêng về văn hóa và du lịch, mỗi khu ga là một điểm đến, như tàu Hà Nội - Hải Phòng tạo trào lưu foodtour, hay tàu đêm Đà Lạt là dấu ấn du lịch…
"Hạ tầng hiện có của đường sắt cần rất nhiều vốn đầu tư để nâng cấp cải tạo. Đơn cử như vụ sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, nếu được đầu tư vài trăm tỉ đồng nâng cấp khu hầm sẽ tránh được các sự cố và thiệt hại tương tự", ông Mạnh chia sẻ.
Dù vậy, trong bối cảnh chờ nguồn lực đầu tư, ngành đường sắt sẽ cố gắng tận dụng những gì sẵn có, biến những nhược điểm thành ưu điểm. Với các ga ở khu vực trung tâm đô thị lớn có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, người dân đi tàu đến khu ga không chỉ là hành trình đi đến mà còn tham quan, chiêm ngưỡng…
"Đường sắt định hướng sẽ phát triển, lan tỏa các sản phẩm, mô hình đang hiệu quả, nhất là các sản phẩm vận tải khách du lịch, đáp ứng đa dạng các phân khúc, trong đó có cả phân khúc cao cấp dành cho khách hàng thích trải nghiệm sống chậm. Nhiều địa phương cũng mong muốn hợp tác với đường sắt để tạo ra chuỗi dịch vụ du lịch mà đường sắt là một phương thức di chuyển. Để thành công, quan trọng nhất là sự vào cuộc của chính các địa phương, từ đó lan tỏa, tạo sức hút với các đối tác du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ…", ông Mạnh chia sẻ.
Bình luận (0)