Theo đề xuất mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, tổng vốn dự án Trần Hưng Đạo - Thượng Đình là 28.917 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn vay trong nước. Vốn vay ODA là 23.311 tỉ đồng. Vốn đối ứng trong nước là 5.606 tỉ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng cũng được điều chỉnh giảm (tổng mức cũ là 1.312 tỉ đồng, dự phòng 529 tỉ đồng).
Trước đó, trong văn bản báo cáo cáo đề xuất vốn gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư vào tháng 3 vừa qua, tổng mức đầu tư dự án mà UBND thành phố Hà Nội dự kiến trong bước lập đề xuất đầu tư là 177,6 tỉ Yên (tương đương 34.743 tỉ đồng).
Như vậy, so với khái toán ban đầu, mức đầu tư theo khái toán mới nhất được Hà Nội báo cáo Chính phủ và các bộ ngành đã giảm 5.843 tỉ đồng. Đáng chú ý, mức đầu tư khái toán dựa trên tỷ giá Yên/VND biến động liên tục.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, thuộc danh mục các dự án, công trình trọng điểm, được bố trí vốn ngân sách để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tuyến metro số 2 không phải trường hợp duy nhất trong tổng thể đại dự án metro phải thay đổi tổng mức đầu tư do thay đổi thiết kế.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội, cho biết dự án đang ở giai đoạn đề xuất, tất cả đang ở mức khái toán ban đầu, đến khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi mới có tổng mức đầu tư chính thức. Tổng mức đầu tư vẫn có thể điều chỉnh nếu có những biến động về tỷ giá, giá vật liệu…
“Tư vấn tính toán lại dự án căn cứ trên đơn giá của dự án Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cũng thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, tham khảo đơn giá, suất đầu tư đã được các bộ thẩm định, điều chỉnh lại các chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng…”, ông Minh cho biết.
Bình luận (0)