Đường sắt lạc hậu - Kỳ 2: Lãng phí nguồn lực

16/02/2013 02:55 GMT+7

Thiếu sự quan tâm và đầu tư đúng mức trong một thời gian khá dài, ngành đường sắt tụt hậu khá xa và đánh mất tiềm năng so với các loại hình vận tải khác.

Bức tranh cũ kỹ

 

Gần 2.000 km từ bắc vào nam mà hệ thống đường sắt chỉ chiếm được vài phần trăm thị phần là thực trạng đáng buồn, là sự lãng phí to lớn nguồn lực của đất nước

Ông Vương Đình Khánh,
nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN

Theo PGS-TS Phạm Công Hà, 1.700 tỉ đồng ngân sách hằng năm rót cho kết cấu hạ tầng đường sắt (đường sắt bắc - nam chiếm phần lớn) đã giữ cho đường sắt không bị xuống cấp. Nhưng nếu so với sự phát triển mạnh mẽ của đường bộ và hàng không thì những bước dịch chuyển của ngành đường sắt quá chậm. Do thời gian vận chuyển dài, phải bốc xếp qua nhiều cung đoạn, giá cước cao, thủ tục phức tạp, nên hàng triệu tấn hàng hóa đã chạy hết sang đường bộ, trong khi chiều dài 2.000 km bắc - nam mới là khoảng cách vàng đối với vận chuyển đường sắt. “Gần 2.000 km từ bắc vào nam mà hệ thống đường sắt chỉ chiếm được vài phần trăm thị phần là thực trạng đáng buồn, là sự lãng phí to lớn nguồn lực của đất nước”, ông Hà nhìn nhận.

Theo thống kê, từ năm 1996 đến năm 2011, thị phần vận tải đường sắt đã sụt giảm mạnh từ 27,9% xuống còn 4,1% về hàng hóa, và từ 7,9% về hành khách xuống còn 1,8%. Còn nếu so sánh từ năm 2005 đến 2011, trong khi thị phần hành khách của đường bộ tăng nhanh chóng từ 86,9% lên 92,1%, ngay cả đường hàng không cũng tăng từ 0,48% lên 0,62% thì đường sắt lại giảm hơn nửa, từ 0,95% xuống 0,47%.

Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải, đơn vị tư vấn lập báo cáo điều chỉnh chiến lược phát triển ngành đường sắt đến năm 2020 tầm nhìn 2050 đã kết luận: “Kết cấu hạ tầng đường sắt là bức tranh cũ nát được vá víu để bảo đảm an toàn và duy trì khai thác ở mức độ cầm cự là chính. Sự yếu kém, lạc hậu của kết cấu hạ tầng đường sắt là một trong những nguyên nhân chính làm thị phần vận tải của đường sắt VN ngày càng đi xuống thời gian qua”.

Tại một hội thảo về ngành đường sắt mới đây, ông Vương Đình Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN đã thẳng thắn chỉ ra, cơ chế lạc hậu kém hiệu quả khiến ngành đường sắt đang mất đi cơ hội cạnh tranh và phát triển. Thời gian chạy tàu từ năm 2000 đến nay vẫn không giảm, đường sắt Thống Nhất vẫn là 29,5 giờ, Hà Nội - Hải Phòng 2 giờ, Hà Nội - Lào Cai 7 giờ.

Đường sắt lạc hậu

Đường sắt lạc hậu
Thiếu sự quan tâm đầu tư, ngành vận tải đường sắt đã tụt hậu quá nhanh - Ảnh: M.Vọng

Cũng theo ông Khánh, sai lầm không coi trọng vai trò vận tải hàng hóa trên đường sắt, dẫn đến các đường bộ bị phá hỏng rất nhanh, nhất là đường bộ cao tốc. Không có gì bù đắp nổi chi phí sửa chữa thường xuyên nếu cứ để xe ô tô chở nặng chạy vô tư trên đường bộ. Chỉ có đường sắt mới hiệu quả khi chở hàng nặng đường dài, đường bắc - nam và “cứu” được tuổi thọ đường bộ.

Đứa con bị quên lãng

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới ngành đường sắt đã có những bước lùi so với các loại hình vận tải khác. Nhưng nguyên nhân lớn nhất là đường sắt đã bị “lãng quên” trong một thời gian khá dài, nguồn vốn đầu tư cho ngành từ năm 2008 đến năm 2011 chỉ chiếm 2,51% trong khi đường bộ chiếm tới 84,8% tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Khối lượng vận chuyển của đường sắt trong quá khứ đã từng chiếm tới 29,2% tổng lượng luân chuyển hành khách và 7,5% lượng hàng hóa (thống kê năm 1987). Tuy nhiên, kết quả do một thời gian dài “quên” đầu tư đường sắt, khiến lượng hành khách vận chuyển sụt giảm chỉ còn 4,1%.

Đường sắt lạc hậu
Nhiều hành khách giật mình khi chiếc quạt cũ kỹ kêu lên cót két. Ảnh chụp trên tàu TN17 - Ảnh: M.Hà

Vốn ngân sách không thể kham nổi nhu cầu đầu tư quá lớn của ngành đường sắt, trong khi nguồn vốn ODA rót chủ yếu vào các dự án hạ tầng đường bộ cũng là một thiệt thòi lớn cho ngành đường sắt. Các dự án nâng cấp, cải tạo với mạng lưới đường sắt quốc gia hiện nay đều bị chậm tiến độ từ 1-3 năm, thậm chí có dự án chậm đến 5 năm do nguồn vốn ngân sách cấp hằng năm hạn chế, như dự án kiên cố hóa đường sắt bắc - nam, kéo dài đường ga Vinh - Nha Trang...

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn nhìn nhận, thông thường tại các nước trên thế giới, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đường sắt đều do nhà nước đầu tư. Ở VN cũng vậy, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, hàng chục năm nay, nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sắt rất hạn chế, nên hiện nay rất lạc hậu. Đường sắt VN muốn đưa công nghệ vận tải mới vào cũng không thể đưa được (ví dụ: không thể nhập các đoàn tàu kéo - đẩy, những đoàn tàu có tốc độ cao... về khai thác). Việc đầu tư hạ tầng từ xã hội hóa là rất khó, vì đây là dự án đòi hỏi vốn rất lớn mà thu hồi vốn rất chậm, không hấp dẫn các nhà đầu tư, thực tế trên thế giới cũng vậy.

Tốc độ chạy tàu chỉ bằng 1/2 các nước

Các tuyến đường sắt VN có năng lực thông qua thấp, tối đa không quá 25 đôi tàu/tuyến/ngày đêm, trong khi các nước tiên tiến năng lực thông qua có thể đạt tới 30-40 đôi tàu/tuyến/ngày đêm. Ngành đường sắt thời gian qua đã đưa ra nhiều biện pháp nâng cao tốc độ, rút ngắn thời gian chạy tàu, đặc biệt tàu khách Thống Nhất bắc -nam đã rút từ 72 giờ xuống còn 29 giờ. Nhưng do hạn chế về kết cấu hạ tầng, nên hiện nay chỉ cho phép tốc độ chạy với tàu khách tối đa 80 - 90 km/giờ khiến việc rút ngắn thời gian rất khó khăn. So với các nước, tốc độ chạy tàu của VN chỉ bằng 1/2 tốc độ chạy tàu của các nước phát triển với đường sắt thông thường. Đặc biệt, vào các dịp lễ tết khi nhu cầu vận chuyển tăng đột biến thì giao thông đường sắt không thể đáp ứng do năng lực vận chuyển hạn chế.

Mai Hà - Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.