Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sức bật cho kinh tế Việt Nam: Người dân, doanh nghiệp hào hứng chờ đợi

12/10/2024 06:06 GMT+7

Những con tàu tăng tốc không chỉ đưa ngành đường sắt trở lại cuộc đua mà còn mở ra tương lai phát triển cho rất nhiều ngành nghề, tạo sức bật cho hàng loạt địa phương trên cả nước.

Sáng ăn phở Hà Nội, trưa cơm tấm Sài Gòn

Lên kế hoạch "đổi gió" du lịch hồi giữa tháng 12 năm ngoái, chị Hà Lam (ngụ Q.4, Thành phố Hồ Chí Minh) tìm chuyến tàu chặng Sài Gòn - Huế cách ngày đi trước khoảng 1 tuần. Thời điểm đó, trên trang web của Tổng công ty Đường sắt VN hiển thị 2 chuyến tàu với 2 khung giờ chạy sáng sớm và đêm khuya. Quá lâu không di chuyển bằng tàu hỏa, chị Lam bất ngờ khi thời gian di chuyển trên tuyến này kéo dài tới 20 giờ đồng hồ, nếu khởi hành từ ga Sài Gòn vào 6 giờ sáng thì phải tới 3 giờ 30 sáng hôm sau mới tới Huế. Nghỉ phép 4 ngày, dù chỉ đi tàu 1 chiều cũng "ngốn" mất cả ngày nên suy đi tính lại, chị Lam quyết định chọn máy bay.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chị Lam sau đó không được trải nghiệm tuyến đường sắt cao tốc từ Vientiane tới Luang Prabang. Trước đây, người dân Lào phải mất hơn 10 giờ để lưu thông bằng đường bộ từ Vientiane đến Luang Prabang thì hiện nay nhờ có tàu cao tốc, thời gian di chuyển đã rút ngắn chỉ còn chưa đầy 2 tiếng. Đoàn tàu "sang, xịn, mịn", sạch đẹp và hiện đại; mua vé online, thủ tục check-in không khác gì đi máy bay. Nhà ga rộng rãi, tàu chạy "đúng boong" giờ, ghế ngồi mềm thoải mái, có đầy đủ dịch vụ ăn uống.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sức bật cho kinh tế Việt Nam: Người dân, doanh nghiệp hào hứng chờ đợi- Ảnh 1.

NGUỒN: BỘ GTVT

"Ngay giây phút bước chân lên đoàn tàu cao tốc của Lào, tôi đã mong ước tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải làm càng nhanh càng tốt. Trong thời gian dài, Lào là quốc gia có hạ tầng giao thông hạn chế, yếu kém bậc nhất khu vực, mà nay họ đã có hệ thống đường sắt hiện đại như vậy. Người Việt trước giờ đi du lịch châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn hào hứng trải nghiệm metro, giờ muốn đi thử tàu cao tốc thì cũng phải sang Trung Quốc, sang Lào. Phong cảnh của mình thì quá đẹp, không được tận dụng để phát triển du lịch đường sắt là quá phí. Nếu chúng ta có tuyến tàu chạy nhanh hơn, tiện hơn thì những hành trình du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Huế, Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng và thậm chí Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước", chị Hà Lam nói.

Không chỉ hiện thực hóa giấc mơ sáng ăn phở Hà Nội, trưa cơm tấm Sài Gòn cho hàng triệu người dân VN, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam còn có ý nghĩa rất lớn đối với những người lái tàu, nhân viên đang hằng ngày phục vụ trên những chuyến tàu chạy dọc đất nước.

Thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao: Đầu tư 50.000 m2 đất cho nghiên cứu, đào tạo

Hơn 35 năm gắn bó với nghề, chứng kiến hầu hết những giai đoạn thăng trầm lịch sử của ngành đường sắt, ông Mai Quý Hoàn (thuộc đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội) luôn ước mong được một lần phục vụ hành khách trên con tàu hiện đại. Những toa tàu cũ kỹ, khoang giường nằm chật chội và ghế ngồi xuống cấp, cơ sở hạ tầng hạn chế, kèm theo tốc độ chạy tàu chậm không chỉ khiến hành khách mà cả những nhân viên phục vụ trên tàu cũng rất mệt mỏi.

Tôi chỉ còn khoảng 2 năm nữa là về hưu, nhưng vẫn luôn mong được nhìn thấy ngành đường sắt để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng hành khách. Sau này, chính mình sẽ là người được trải nghiệm, được tận hưởng những dịch vụ tốt đẹp đó.

Ông Mai Quý Hoàn (thuộc đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội)

"Nhìn khách mệt, mình cũng không vui. Có nhiều lúc chỉ mong được phục vụ khách tốt hơn nữa, mong có thêm món này cho khách ăn, đồ này cho khách uống, nhưng lực bất tòng tâm, không làm gì được. Tàu chạy hỗn hợp, cả khách cả hàng nên cũng nhiều hạn chế, anh em ngành đường sắt chưa thể hiện hết được phong cách phục vụ", ông Mai Quý Hoàn chia sẻ và nói thêm: "Nếu có tàu cao tốc thì từ phong cách phục vụ, chăm sóc khách hàng của ngành đường sắt cũng sẽ được nâng cấp hiện đại hơn, văn minh hơn. Ngay như tàu chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng vừa rồi, tuy chưa nhanh hơn được nhưng tàu sạch sẽ, giường, ghế sạch đẹp, khách thích lắm chứ. Nhìn hành khách vui, những nhân viên phục vụ như chúng tôi cũng thấy rất xúc động, tự nhiên muốn ra hỏi han họ xem cần thêm gì không, có góp ý gì không, lắng nghe tâm sự, mong muốn của họ để cải thiện chất lượng dịch vụ. Tôi chỉ còn khoảng 2 năm nữa là về hưu, nhưng vẫn luôn mong được nhìn thấy ngành đường sắt để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng hành khách. Sau này, chính mình sẽ là người được trải nghiệm, được tận hưởng những dịch vụ tốt đẹp đó".

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đối thủ đáng gờm của hàng không

Cú hích cực mạnh cho ngành xây dựng, du lịch, dịch vụ…

Không chỉ người dân, các doanh nghiệp cũng rất hào hứng với hy vọng được tham gia "thập niên lịch sử" đường sắt cao tốc.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng sau một giai đoạn chuyển mình nhờ các dự án giao thông hạ tầng lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc sẽ đánh dấu mốc cho sự trưởng thành không chỉ của doanh nghiệp xây dựng mà của cả đất nước. Là một trong những nhà thầu mạnh nhất VN hiện nay, Đèo Cả đã nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam từ lâu và đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực cả về mặt pháp nhân, con người, tìm kiếm đối tác để tham gia hành trình lịch sử này. Trong đó, yếu tố được doanh nghiệp chú trọng nhiều nhất là công tác đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân để nâng cao năng lực. Đồng thời, xúc tiến với nhiều đối tác nước ngoài để nghiên cứu liên danh hợp tác, cùng thực hiện những gói thầu mà VN chưa thể hoàn toàn tự chủ về mặt kỹ thuật.

"Phần xây dựng dưới đường ray không khác nhiều so với các công trình đường bộ. Đào hầm, xuyên núi, chúng ta đều đã làm được. Khi các nhà thầu thi công xây dựng VN đảm nhận được những hạng mục này thì các doanh nghiệp cung ứng vật liệu cũng sẽ có cơ hội tham gia, như cách làm đường bộ cao tốc Bắc - Nam thời gian qua. Còn về phần từ đường ray trở lên tới các trang thiết bị đầu máy, toa xe thì các doanh nghiệp trong nước sẽ liên danh với doanh nghiệp nước ngoài có năng lực để học hỏi, dần làm chủ công nghệ. Chúng ta không tính chỉ xây một tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam mà còn quá trình bảo trì, vận hành sau này, thậm chí làm thêm các tuyến rẽ ngang. Vì thế, cơ hội tham gia tối đa trong chuỗi sản phẩm xây dựng dự án lần này sẽ là bước tiến mới cho các doanh nghiệp nói riêng cũng như ngành xây dựng VN nói chung", ông Ngọ Trường Nam nhìn nhận.

Trước đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng của Hòa Phát trong việc tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án, đồng thời chia sẻ tham vọng sản xuất đường ray cho tàu cao tốc trong giai đoạn 2 của dự án Dung Quất 2.

Ở khía cạnh du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, phân tích: VN là đất nước có chiều dọc rất dài, chiều ngang khá hẹp, khiến việc vận chuyển du khách dọc tuyến Bắc - Nam mất rất nhiều thời gian. Trước đây, du lịch hầu hết phụ thuộc vào ngành hàng không để đảm bảo được thời gian tham quan của khách. Nếu có thể hình thành tuyến tàu cao tốc Bắc - Nam, sẽ tạo điều kiện rất tốt cho khách tiếp cận các điểm đến, giảm thời gian di chuyển, bù lại kéo dài thời gian lưu trú, giúp khách đi sâu hơn vào văn hóa địa phương. Từ đó, thay đổi hoàn toàn bản đồ và diện mạo toàn bộ sản phẩm du lịch của VN, chuyển từ bộ sản phẩm xương cá sang bộ sản phẩm nan hoa, thúc đẩy các địa phương phát triển nhiều khu du lịch, bất động sản du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ giải trí… ngấm sâu hơn vào nền kinh tế địa phương.

Theo quy hoạch, Bình Định có 2 ga đường sắt cao tốc là ga Bồng Sơn và Diêu Trì, hình thành ngay được 2 khu đô thị giúp bật dậy kinh tế cực bắc của Bình Định và cực nam của Quảng Ngãi. Từ Bồng Sơn lên La Vuông (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) chỉ từ

30 - 40 km, có đường sắt cao tốc thì sẽ tiếp cận ngay được vùng cao nguyên có khí hậu tuyệt vời đó, giúp phát triển toàn bộ khu vực dọc bờ biển từ Lộ Diêu lên tới La Vuông. Ví dụ một địa phương để thấy tác động của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam rất mạnh, tạo lợi thế rất lớn cho phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.